Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2009

PHAN THÚC DUYỆN

Phan Thúc Duyện (1873-1944)biệt hiệu là Mi Sanh, hay Nam Phong, theo tộc Phan Minh Ðức thì chính tên là Phan Văn Thiện về sau lại có tên là Diện, Duyện, sinh năm Quý dậu 1873, tại làng Hoa thử, Tống Ða Hòa Thượng, huyện Diên Phước tỉnh Quảng Nam, đậu cử nhân khoa Canh Tý (1900) - Thành Thái 12, theo quyển "Các nhà khoa bảng Việt Nam" (50 KBVN) ghi thì tên là Phan Sung, chắc nhầm chữ Sung với chữ Duyện vì hai chữ giống nhau, nhân dân thường gọi là ông cử Diện hay cụ cử Phong Thử.

Từ thuở nhỏ, ông Phan Thúc Duyện đã chịu ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Cần vương của Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, ông đã sớm có nhận thức về cách mạng cứu nước lúc học ở trường tỉnh, ông đã tìm hiểu các sách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, nói về tư tưởng dân chủ, do đó ông cùng các ông Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thành (Tiểu La) Lê Bá Trinh, Dương Thạc v.v... Sớm hoạt động chính trị, giải quyết vấn đề cứu nước bằng con đường cách mạng duy tân tự cường. Mục tiêu "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" do Phan Chu Trinh đề xướng được các nhà khoa bảng, sĩ phu hưởng ứng nhiệt liệt, Phan Thúc Duyện được phân công phần văn hóa và công thương.

Năm 1905 ông mở thương hội đầu tiên trên đường chùa Cầu, thị xã Hội An (Quảng Nam), một thương hội bề thế nhất, cạnh tranh với ngoại kiều.

Cuối 1906 ông tập hợp thương Diên phong ngay tại làng quán - cũng ở làng quán Phong thử (tức Hoa Thử cũ) ông dựng lên trường Tư thục đầu tiên dạy tân học, dạy quốc ngữ, toán pháp, pháp ngữ và cả hán tự tân văn, học sinh rất đông trên 200, phải mượn thêm chùa kế cận để làm chỗ học.

Tháng 4 năm Bính Ngọ (1906) ông tổ chức khai hoang tại Dùi Chiêng, đầu nguồn sông Thu Bồn sau đó lập nông hội Yến Nê giữa ranh giới Hòa Vang Ðiện Bàn, Nông hội Mỹ Sơn ở Duy Xuyên, nông hội Bửu Sơn ở Ðại Lộc.

Ông hô hào cắt tóc ngắn, mặc đồ tây bằng vải nội và tự mình cắt búi tóc mà xưa chưa ai dám làm. Kết hợp với các bạn đồng chí hoạt động, đến năm 1908 thì phong trào Duy Tân nổi lên rầm rộ ở khắp tỉnh Quảng Nam, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quảng đại quần chúng nhân dân.

Từ 16-3 đến 11-4-1908, phong trào kháng sưu bùng nổ tại Quảng Nam lan dần vào Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, lan ra tận Nghệ Tĩnh. Nông dân biểu tình bao vây tòa sứ Pháp, dinh thự bọn quan lại Nam Triều, để đưa kiến nghị, tại các xã thôn, nông dân trừng trị bọn tổng lý, hào cường. Thực dân Pháp lo sợ thẳng tay đàn áp, các ông bị bắt. Ngày 6/4/1908, Phan Thúc Duyện vào nhà tù và bị tòa án Nam triều Quảng Nam xử ngày 9/6/1908 với tội cầm đầu bạo loạn trong tỉnh Quảng Nam án xử tử nhưng rồi đầy ra Côn Ðảo, 12 ngày sau đó Trần Quý Cáp bị xử tử tại Khánh Hòa. Các nhà khoa bảng sĩ phu khác như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thành, Lê Bá Trinh v.v... đều đầy ra Côn Ðảo, tàu chở tù nhân ra Côn Ðảo ngày 28/8 năm Mậu Thân (1908).

ở Côn Ðảo hơn 10 năm, ông Phan Thúc Duyện có người con trai tên là Phan Minh tham dự cuộc chiến ở Châu Âu hồi 1914, sau lưu học tại Pháp đậu kỹ sư, làm đơn khiếu nại cho cha, nên đến năm 1919 ông được trả tự do, nhưng thực dân Pháp và triều đình Huế không cho về quê, mà đưa ra quản thúc tại miền núi hoang vắng ở Quảng Bình. Ông lại đưa dân làng ra lập đồn điền khai phá đất hoang, ngăn suối dẫn nước trồng trọt chăn nuôi, chẳng bao lâu trở thành vùng đất tươi tốt, dân thường gọi là "vùng đất Quảng Nam" nay là nông trường Lệ Ninh. Năm 1930 hết hạn ông giao cơ đồ đó lại cho con thứ ở lại trông nom, ông trở lại Phong Thử quê nhà. Một thời gian ông lại nhận thư ông Hồ Tá Bang, người của công ty Liên Thành Phan Thiết mời vào mở khu đồn điền ở vùng núi Mường Mán. ít lâu tuổi già sức yếu ông trở về Phong Thử. Về đây ông mở chợ mới Phong Thử, mở trường hát, ở sân vận động, mở đường giao thông, cho đến lúc lâm bệnh từ trần vào năm Giáp Thân 1944, để lại cho nhân dân một số công trình đổi mới theo nguyện vọng cải cách Duy Tân từ lúc sinh thời. Ông hưởng thọ 72 tuổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét