Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009

LƯƠNG HỮU KHÁNH

Lương Hữu Khánh sống vào khoảng thế kỷ 16, là Thượng thư Bộ Binh [1] (có sách chép khác là Thượng thư Bộ Lễ), thời Lê Trung hưng, tước Đạt Quận Công, là nhà thơ, con của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, người làng Hội Triều, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Tiểu sử

Lương Hữu Khánh có cha là quan lớn, nhưng thanh liêm nên nhà nghèo, lúc nhỏ ông phải đi cày mướn gặt thuê cho ruộng nhà khác hoặc làm văn bản mướn để có thể sinh sống. Sau này ông theo học Nguyễn Bỉnh Khiêm là học trò cũ của cha mình, và được thầy học biệt đãi như con đẻ cho ở trong nhà. Ông đậu cử nhân năm 12 tuổi, đậu thứ 2 thi hội vì bị thiên vị nên ông bỏ, không thi đình dưới triều Mạc Ðăng Doanh mà trốn vào Thanh Hóa theo phò vua Lê [2].

Có thuyết khác chép rằng ông đã yêu con gái lớn của Trạng Trình. Do cha của ông qua đời đã lâu, mẹ là vợ thiếp làm nghề buôn bán, sinh ông ở Thăng Long, chưa có ý kiến gì về việc hỏi vợ cho Lương Hữu Khánh ở nơi khác nên vợ chồng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tùy duyên mà gả con gái cho Phó Vệ úy Hầu tước Phạm Dao. Tiến sĩ Lương Hữu Khánh đã buồn rầu bỏ thi Đình của nhà Mạc để về quê cũ (Thanh Hóa) khởi nghiệp trung hưng nhà Lê.

Lương Hữu Khánh là nhân vật trọng yếu của triều đình nhà Lê, có công khôi phục và lập nên nhà Hậu Lê. Ông đã cùng với chúa Trịnh Tùng, vị tiết chế đức độ, có tầm nhìn xa rộng, và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, nhà quân sư tài danh và ngoại giao lỗi lạc, đã nối được chí hướng của thầy học Nguyễn Bỉnh Khiêm, lấy yêu dân và vận nước làm trọng, để nỗ lực tôn phù vua sáng, thay đổi được cục diện chiến tranh Lê-Mạc kéo dài.

Tính tình cương trực, thanh liêm, ông nối được chí hướng của cha, luôn luôn gìn giữ truyền thống gia phong, tôn trọng đạo đức. Tính tình lại giản dị, an nhiên, nếp sống thanh cao, hào sảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét