Lê Quang Định (1759- 1813), tự: Tri Chỉ, hiệu: Tấn Trai, Chỉ Sơn; là văn thần đầu đời Nguyễn, là nhà thơ có tiếng trong nhóm Sơn Hội[3] ở Gia Định và Bình Dương thi xã. Ông cùng Trịnh Hoài Đức (1765-1825) và Ngô Nhân Tịnh (?-1813) được người đương thời xưng tụng là Gia Định tam gia của đất Gia Định xưa.
Thân thế & sự nghiệp
Lê Quang Định, người làng Mậu Tài, huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế). Thuở nhỏ, nhà nghèo, cha là một viên quan nhỏ mất sớm, nên ông phải theo anh vào làm ăn ở huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Vốn thông minh, hiếu học, Lê Quang Định được một thầy thuốc là Hoàng Đức Thành gả con gái và tận tình giúp đỡ. Ông theo học Võ Trường Toản (?-1792), kết bạn với Ngô Nhân Tịnh, Trịnh Hoài Đức, cùng nhau lập "Bình Dương thi xã”.
Quan nhà Nguyễn
Năm Mậu thân (1788), khi Nguyễn Phúc Ánh (1762-1820) chiếm lại Gia Định và cho mở khoa thi, ông và Trịnh Hoài Đức trúng tuyển, được cử làm Hàn lâm viện chế cáo, giữ việc biên soạn sổ sách, rồi lần lượt trải qua Điền tuấn quan (trông coi việc khai khẩn), Đông cung thị giảng (dạy cho Nguyễn Phúc Cảnh), Hữu tham tri Bộ Hình.
Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long, ông được thăng Thượng thư Bộ Binh, làm chánh sứ cùng với Lê Chính Lộ, Nguyễn Gia Cát sang nhà Thanh (Trung Quốc), cầu phong cho nhà vua.
Năm 1806, ông được cử biên soạn Hoàng Việt nhất thống địa dư chí gồm 10 quyển, là bộ địa chí đầu tiên của nhà Nguyễn.
Năm 1810, giữ chức Thượng thư Bộ Hộ kiêm coi Khâm Thiên Giám (tức đài quan sát thiên văn). sau đó ông còn đảm nhận việc kiểm tra dân số, lập sổ dinh điền và chia hạng ruộng đất.
Năm Gia Long thứ 12 (1813), Lê Quang Định mất, hưởng dương 53 tuổi. [4]. Về sau, ông được vua Tự Đức (1829-1833) đưa vào thờ ở miếu Trung hưng công thần.
Nhà thơ
Lê Quang Định là nhà thơ có tiếng trong nhóm Bình Dương thi xã và nhóm Sơn Hội ở Gia Định.
Sáng tác của ông gồm:
Hoa nguyên thi thảo: bằng chữ Hán, 1 quyển, gồm 74 bài, hầu hết là thơ đề vịnh, cảm hoài và thù tạc. Trong đó có một số bài sáng tác ở Việt Nam, còn phần lớn được viết lúc đi sứ sang Trung quốc bằng đường thủy.
Hoàng Việt nhất thống địa dư chí: gồm 10 quyển, chép đủ đường sá, sông núi, thổ sản, phong tục từ Lạng sơn đến Hà Tiên...Bộ sách được triều Nguyễn đánh giá rất cao, đồng thời trở thành công cụ tra cứu chủ yếu cho các công trình địa chí tiếp theo...[5].
Gia Định tam gia thi: gồm một số bài thơ, in chung với thơ của Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh.
Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét