Dương Tử Giang (1914 – 1956). tên thật là Nguyễn Tấn Sĩ, sinh năm 1914 tại xã Nhơn Thạnh, thị xã Bến Tre, trong một gia đình trung lưu. Sau khi học hết trung học ở Mỹ Tho, vốn mê thích sân khấu, nên đứng ra lập một gánh hát (1936), nhưng chỉ trong một thời gian ngắn vì nợ nần nên rã gánh. Ông xin dạy học ở Trường tiểu học Thủ Đức. Sau đó, sang làm thư ký ở Ty Thương chánh Hà Tiên, nhưng vì mê đá gà, nên xài thâm tiền két, rồi bỏ lên núi Tà Lơn cho đến ngày Nhật đảo chính Pháp mới về lại Bến Tre. Lên Sài Gòn, anh gia nhập vào làng báo, lần lượt viết cho các báo Mai, Sống của nhóm Đông Hồ và Trúc Hà, báo Thanh niên của Huỳnh Tất Phát và Mai Văn Bộ. Cũng trong thời gian này, anh cho xuất bản quyển Bịnh học và Duyên hay nợ.
Sau ngày Nam Bộ kháng chiến, cái tên Dương Tử Giang (ba chữ đầu của câu thơ Đường mà anh rất thích: Dương Tử Giang đầu dương liễu xuân) xuất hiệen trên mặt báo chí Sài Gòn như một ngòi bút sắc sảo, xông xáo và dũng cảm, dám vạch trần tính chất cuộc chiến tranh phi nghĩ của Pháp ở Đông Dương. Cùng với Vũ Tùng và Thiếu Sơn trong nhóm Justice (Công lý) - cơ quan chính thức của đảng xã hội Pháp ở Đông Dương – anh có nhiều điều kiện đóng góp cho phong trào Báo chí Thống nhứt của Sài Gòn và Nam Bộ trong những năm đầu chống Pháp.
Năm 1946, vì một bài báo đả kích đội quân viễn chinh, anh bị Pháp bắt giam một thời gian. Trong Khám Lớn Sài Gòn, Dương Tử Giang đã tham gia đắc lực vào việc ra hai tờ báo bí mật trong lao: tờ Tiếng tù và Đêm Khám Lớn.
Sau đám tang học sinh Trần Văn Ơn (bị Pháp bắn chết), Chính phủ Trần Văn Hữu và Nguyễn Văn Tâm quay ra đàn áp mạnh báo chí. Chúng cho bọn mật vụ ám sát hai ký giả yêu nước Nam Quốc Cang và Đinh Xuân Tiếu. Trong đám tang Nam Quốc Cang, Dương Tử Giang đã leo lên cột đèn, đứng diễn thuyết tố cáo âm mưu đê hèn của địch. Sau đó, anh bị truy nã. Thấy không thể tiếp tục hoạt động hợp pháp trên lĩnh vực báo chí tại Sài Gòn, anh thoát ly ra khu vực 9. Tại đây, anh cùng với Thiếu Sơon công tác tại tòa soạn báo Cứu quốc Nam Bộ và tham gia các hoạt động văn nghệ kháng chiến ở khu.
Sau hiệp định Genève (1954), Dương Tử Giang được phân công về lại Sài Gòn. Trở lại thành phố cũ, nơi anh từng hoạt động, không kịp nghỉ ngơi, anh lao ngay vào công việc. Cùng với anh em kháng chiến ở khu về và những cán bộ hoạt động tại chỗ, anh chạy tiền để ra báo. Các tờ Công lý, Điện báo rồi Duy tân lần lượt ra đời. Anh còn dự định thành lập một gánh hát bộ và thông qua nghệ thuật này, hồi ở khu đã từng viết nhiều kịch bản tuồng, vừa là diễn viên sân khấu rất được hoan nghênh.
Ngày 8-10-1955, trong chiến dịch khủng bố những người kháng chiến cũ, chính quyền Diệm đã bắt anh cùng với hàng loạt nhà văn, nhà báo yêu nước tiến bộ khác như Lý Văn Sâm, Thiếu Sơn, Tư Mã Việt, Tô Nguyệt Đình… với tội danh là "thân cộng". Chúng giam anh ở bót Catina một thời gian, sau đó chuyển về trại giam Tân Hiệp, Biên Hòa. Ngày 2-12-1956, trong cuộc nổi dậy phá trại, vượt ngục của tù nhân chính trị tại đây, Dương Tử Giang đã bị trúng đạn ở ngay cửa ngõ của nhà lao.
Theo hồi ký của Lý Văn Sâm, người bạn văn, cũng là người bạn tù thân thiết nhất của anh, thì trước giờ hành động, Dương Tử Giang còn tâm sự với Lý Văn Sâm: "Trong hai thằng chúng mình, trong trận này, nếu một đứa hy sinh, thì đứa còn lại phải sống bằng tiềm lực của hai đứa cộng lại”. Sau đó Lý Văn Sâm đã thoát ngục về với cách mạng, còn Dương Tử Giang thì hy sinh bên cửa trại giam. Lúc ấy, anh 38 tuổi, cái tuổi tràn đầy sinh lực. Bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp đón nhận tin này với tất cả lòng tiếc thương vô hạn một nhà báo tài năng, một cây bút đánh địch sắc sảo, một người bạn chí tình, chí nghĩa với anh em, dù ở trong thành hay ở ngoài khu.
Nhà văn Thiếu Sơn, một người bạn vong niên của Dương Tử Giang đã viết về anh như sau: "Dương Tử Giang là một chiến sĩ với những đức tính kiên trung, nghĩa dũng khiến cho tôi phải kính phục vô cùng. Suốt thời gian kháng chiến, chưa bao giờ Dương Tử Giang từ chối một công tác khó khăn nào, chưa bao giờ Giang lẩn tránh một gian nguy, khổ cực nào. Con đường chính nghĩa đó, Giang đã đi tới cùng, dù không sự nghiệp gì đáng để lại, nhưng Giang là một tấm gương hy sinh cho đại nghĩa, một tấm gương đáng nêu cho mọi người trong giây phút vẻ vang của dân tộc" (báo Sài Gòn giải phóng, số 13-12-1987). Thực ta, nghiệp cầm bút của anh bị cắt đứt giữa đường, nhưng những gì anh để lại cho đời đâu phải nhỏ. Ngoài hàng trăm bài báo chống lại bạo quyền, anh đã để lại một số sáng tác viết từ sau CMT8-1945: Một vũ trụ sụp đổ (tập truyện – 1949), Tranh đấu (tiểu thuyết – 1949), Cô gái tàu thưng (truyện thơ – 1956), Vè Bảo Đại (1956) và một số kịch bản tuồng viết trong thời kỳ hoạt động ở khu 9 Nam Bộ như Trương Phi thủ cổ thành, Nguyễn Trung Trực quy thần, Ký Charton và Le Page.
Dương Tử Giang còn là một tấm gương sáng về tinh thần lạc quan cách mạng, yêu đời, làm việc không biết mệt mỏi, kể cả trong những trưong hợp túng bấn, đói rách, không có đồng xu dính túi. Cuộc đời anh, sự nghiệp anh đẹp trọn vẹn như anh đã từng nuôi mộng ước trong một bài thơ gửi bạn:
Một thuở ra đi vì nghĩa lơn
Ngàn năm trẻ mãi với quê hương!
Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét