Lương Ngọc Quyến (1885 - 1917), tên hiệu Lương Lập Nham, là một chí sĩ Việt Nam thời cận đại[1]. Quê gốc của ông là người làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Ông sinh ra tại Hà Nội, trong một gia đình khoa cử khá giả, là con thứ của chí sĩ Lương Văn Can. Sinh thời, ông sớm chịu ảnh hưởng tư tưởng canh tân của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu (Trung Quốc).
Tuổi trẻ miệt mài
Lương Ngọc Quyến, hiệu là Lập Nham, sinh năm 1885 tại Hà Nội trong một gia đình khoa cử khá giả. Tổ quán là làng Nhị Khê, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (quê hương Nguyễn Trãi) nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Cha là cụ Cử Ôn Như Lương Văn Can, anh cả là ông Lương Trúc Đàm, những người sáng lập và điều hành Đông Kinh Nghĩa Thục (1907). Thưở nhỏ Ngọc Quyến cũng dùi mài kinh sử, miệt mài với chồng sách cũ, dũa vần gọt chữ để mong có ngày tranh khôi đoạt giáp cùng các bạn. Khóa thi Hương năm Canh Tý (1900) vừa tròn 15 tuổi anh hăm hở lều chõng lên đường. Nhưng bị hỏng vì bài phú, anh liền tỉnh ngộ, nhận ra lối học khoa cử từ chương là hủ bại. Chính nó đã làm cho dân mình hèn, nước mình mất. Rồi anh tìm đọc sách tân học của Trung Quốc, rất tâm đắc với tư tưởng duy tân cách mạng của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, anh sớm nhận ra thanh niên Việt Nam phải mau học tập binh cơ võ bị tân thời mới mong đánh đuổi được kẻ thù, giành lại quyền tự do độc lập cho đất nước.
Tìm đường cứu nước
Năm 1905, vừa tròn 20 tuổi, Lập Nham quả quyết từ bỏ cuộc sống sang giàu chốn Hà thành, bái biệt cha mẹ, làm giấy cho phép vợ hiền cải giá, rời bỏ đứa con gái nhỏ mà đi.
Phan Bội Châu,trong Ngục trung thư có viết về người thiếu niên quả cảm họ Lương như sau:
“Tháng 10 năm Ất Tỵ (1905), tôi đến Hoàng Tân, về nhà trọ cũ đã thấy nói có một thanh niên học sinh ta đã đến ở đó trước, có ý chờ đợi hỏi thăm về tôi… Thì ra là Lương quân Lập Nham, con Cụ Cử Ôn Như. Tôi xem ra người có khí phách hăng hái, đôi mắt sáng quắc, đầu tóc còn để bờm xờm. Một thanh niên chứa sẵn kỳ khí, có hoài bão cao xa, chỉ nghe nói tôi mới sang Đông mà đã mạnh bạo bỏ nhà ra đi một thân một mình, không kể gì gian nan nguy hiểm. Chao ôi! Nếu thanh niên nước nhà mà được nhiều người có ý chí kiên cường mạo hiểm như Lương quân thì con đường phục quốc của ta sẽ rút ngắn được biết bao nhiêu!”.
Thời gian đầu ở Đông Kinh, Lập Nham một mặt học Nhật ngữ để sửa soạn vào trường võ bị Chấn Võ, một mặt viết thơ về động viên các đồng chí gửi người sang du học. Trong vòng hai năm đã có trăm học sinh ta được gửi sang học các trường ở Nhật do các nhà hảo tâm trong nước tài trợ. Nhưng rồi một hiệp định được ký giữa Nhật và Pháp yêu cầu Nhật phải trục xuất những người Việt ra khỏi đất Nhật trong vòng 48 tiếng. Dĩ nhiên hai ông đầu đàn Phan Bội Châu và Cường Để phải đi trước. Như rắn mất đầu, anh em Đông Du chới với. Riêng Lập Nham và em trai là Nghị Khanh nhờ lộn sòng quốc tịch mà được ở lại.
Năm 1914, Lương Ngọc Quyến về nước gây cơ sở cách mạng tại Nam Kỳ, rồi sang Thái Lan, Hồng Kông. Lương Ngọc Quyến bị mật thám Anh bắt trao cho thực dân Pháp, đưa về Việt Nam giam ở các nhà lao ở Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên. Tại đây, ông đã cùng Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn) lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên. Ông đã hy sinh khi quân Pháp phản công chiếm lại tỉnh lỵ Thái Nguyên ngày 5 tháng 9 năm 1917.
Cái chết bi tráng
Ông bắn hộ tôi một phát vào giữa ngực để tôi khỏi nhìn thấy thực dân dày xéo lên lá cờ cách mạng!
Đó là câu nói cuối cùng của Lương Ngọc Quyến trưa hôm mồng 5-9-1917, lúc Thái Nguyên đang thập phần nguy cấp vì thiếu quân tiếp viện. Quang Phục quân được lệch rút lui sau 7 ngày giành được độc lập cho Thái Nguyên. Đội Cấn đã sắp sẵn cáng võng để đưa ông đi theo, nhưng ông cương quyết từ chối, không muốn để anh em nghĩa quân phải chậm trễ trên đường rút lui mà mỗi bước phải quay lại chống trả với địch. Ông quyết định chết ở Thái Nguyên, lấy hồn tiễn đưa nghĩa quân. Bắt đắc dĩ, Đội Cấn phải làm theo ý nguyện ấy, sau khi sụp xuống lạy vị thủ lãnh 32 tuổi đời, gương mặt thản nhiên, đang chờ đón một cái chết bi tráng.
Đoàng!!! Một tiếng nổ khô khan, lạnh lẽo đến độ làm tê lặng cả những trái tim! Nghĩa quân Quang Phục do Đội Cấn chỉ huy xếp hàng nghiêm chỉnh chào di thể vị anh hùng, lòng bùi ngùi đau xót, xong đào hố chôn lấp cẩn thận, san bằng mặt đất rồi mới bỏ đi.
Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét