Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009

HUỲNH KHƯƠNG NINH

HUỲNH KHƯƠNG NINH (1890-1950)Sinh ngày 8-9-1890 tại Thắng Tam, Bà Rịa, nay là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và mất năm 1950 tại Sài Gòn.

Vốn sinh trưởng trong một gia đình trung lưu có điều kiện ăn học và là người có tư chất thông minh, nên sau khi học xong bậc Trung học, Huỳnh Khương Ninh lên Sài Gòn mở trường dạy học. Tại Sài Gòn, Huỳnh Khương Ninh được cử giữ chức Ủy viên Hội đồng Thành phố. Trong thời gian này, ông nhận ra rằng, người Việt Nam luôn luôn bị thực dân Pháp o ép đủ bề và chính thực dân Pháp đã biến người dân Việt Nam thành thân phận của kẻ nô lệ, tôi tớ .
Năm 1925, ông từ chức Ủy viên Hội đồng thành phố Sài Gòn rồi về làm Hiệu trưởng trường tư do chính ông sáng lập . Dần dần ông thu nạp thêm nhềiu nhà giáo giỏi, mở thêm các lớp hệ trung học, nâng cao chất lượng dạy và học. Ngày lại ngày, tiếng tăm về chất lượng dạy và học của Trường ông tăng cao và lan rộng khắp các tỉnh Nam Kỳ.

Năm 1945, khi thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai, chúng tiến hành chiếm luôn trường tư thục của ông phục vụ cho mục đích quân sự. Gần hai năm sau, chúng mới trả lại trường cho Huỳnh Khương Ninh.
Năm 1947, Huỳnh Khương Ninh tiếp tục mở cửa trường, tổ chức khai giảng, thu nhận học sinh mới, tiếp tục sự nghiệp giáo dục. Đặc biệt, Huỳnh Khương Ninh có chủ trương giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học bằng cách không thu học phí. Tiếng lành đồn xa, học sinh các tỉnh Nam Bộ về học tại trường ông ngày càng đông. Vì vậy, có lúc, ông phải cầm cố cả nhà trường để lấy tiền trả lương cho giáo viên.

Đức độ và uy tín của Huỳnh Khương Ninh ngày mộty lan rộng trong giới nhân sĩ trí thức Nam Kỳ, nhiều giáo viên yêu nước đã lần lượt đến trường, tự nguyện xin dạy mà không cần nhận lương. Đặc biệt tại đây, cơ sở cách mạng được hình thành và qui tụ được đông đảo giáo chức yêu nước. Cũng tại nhà trường, chi bộ đảng được thành lập , trong đó có nhiều giáo chức cácg mạng ưu tú như Bùi Thị Nga, Nguyễn Ngọc Thưởng, Trần Quang Cơ, Lê Văn Chí…
Năm 1950, Huỳnh Khương Ninh qua đời ở tuổi 60. Trước lúc đi xa, ông còn kịp chỉ đạo cho đồng nghiệp bầu ra ban Quản lý và Hiệu trưởng nhà trường để tiếp tục sự nghiệp “trồng người” theo ý nguyện của ông. Vì thế dù trải qua nhiều thăng trầm, Trường Huỳnh Khương Ninh vẫn tồn tại, phát triển và hoạt động giảng dạy, hoạt động cách mạng có hiệu quả cao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét