Đào Duy Anh (25 tháng 4 năm 1904 tại Thanh Hóa – 1 tháng 4 năm 1988 tại Hà Nội) là nhà sử học; nhà từ điển học; nhà nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian nổi tiếng của Việt Nam.
Tiểu sử
Đào Duy Anh sinh tại Thanh Hóa, dòng họ của ông vốn gốc ở làng Khúc Thủy, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây), đời ông nội của Đào Duy Anh chuyển cư vào xã Trung Chính, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Sau khi đỗ Thành chung tại trường Quốc học Huế năm 1923, ông không làm công chức dưới chính quyền thực dân Pháp mà làm nghề dạy học ở Trường Tiểu học Đồng Hới tỉnh Quảng Bình.
Ông chịu ảnh hưởng của các phong trào yêu nước đang dấy lên thời kỳ đó như phong trào đấu tranh đòi "ân xá" cho Phan Bội Châu năm 1925, đám tang Phan Chu Trinh năm 1926... Cuối năm 1925, ông tham gia sự kiện Hội Quảng Tri Đồng Hới đón tiếp Phan Bội Châu trên đường từ Hà Nội vào Huế.
Năm 1926, ông từ chức giáo học, vào Đà Nẵng và có ý định đến Sài Gòn. Trên đường vào Đà Nẵng, ông đã gặp Phan Bội Châu đang bị giam lỏng ở chùa Phổ Quang, vào Quảng Nam gặp Huỳnh Thúc Kháng đang làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Ông đã giúp Huỳnh Thúc Kháng sáng lập báo Tiếng dân và làm Thư ký tòa soạn. Đào Duy Anh tham gia Việt Nam Cách mạng Đảng năm 1926 và sau khi đảng này đổi tên thành Tân Việt Cách mạng Đảng (tháng 7 năm 1928), ông trở thành Tổng Bí thư.
Năm 1928, ông sáng lập Quan hải tùng thư, với sự cộng tác của những trí thức như Võ Liêm Sơn, Trần Đình Nam, Phan Đăng Lưu... xuất bản những tập sách phổ cập để người đọc làm quen với tư tưởng khoa học và duy vật lịch sử (như Lịch sử các học thuyết kinh tế, Phụ nữ vận động, Lịch sử nhân loại, Tôn giáo là gì? Xã hội là gì? Dân tộc là gì?). Trong thời gian này, ông lấy biệt hiệu là Vệ Thạch (chim tinh vệ).
Tháng 7 năm 1929, Đào Duy Anh bị chính quyền bắt giam cho đến đầu năm 1930. Từ đó ông chuyên tâm nghiên cứu văn hóa bắt đầu là từ điển học rồi văn hóa, văn học, sử học. Sau Cách mạng tháng Tám , Đào Duy Anh được mời giảng dạy môn Lịch sử tại Đại học Văn khoa Hà Nội. Ông là Uỷ viên Ban vận động Đại hội văn hóa toàn quốc năm 1946. Trong kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động trong Chi hội văn nghệ Liên khu IV.
Năm 1950, ông được mời ra Việt Bắc làm Trưởng Ban Sử - Địa thuộc Vụ Văn học Nghệ thuật, Bộ Giáo dục.
Năm 1952, Đào Duy Anh về Thanh Hóa giảng dạy tại trường Dự bị Đại học. Năm 1954, ông trở về Hà Nội giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa.
Năm 1956, khi trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập, ông được cử làm Chủ nhiệm Bộ môn Cổ sử Việt Nam cho đến năm 1958.
Năm 1956, ông có bài trả lời phỏng vấn về vấn đề mở rộng tự do, dân chủ đăng trên bán nguyệt san Nhân văn số 5 (ngày 20 tháng 11).
Năm 1958, Đào Duy Anh chuyển sang làm việc tại Bộ Giáo dục, năm 1960 chuyển sang Viện Sử học. Từ đây, ông thôi công tác giảng dạy đại học và tập trung vào nghiên cứu. Ông nghỉ hưu năm 1965 nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu cho đến khi qua đời năm 1988.
Ông là một trong số ít nhân vật Việt Nam được ghi tên vào bộ từ điển Larousse với tư cách là một nhà bách khoa toàn thư của thời hiện đại.
Đào Duy Anh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội năm 2000. Tên của ông được đặt cho các con đường tại quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) và quận Đống Đa (TP Hà Nọi).
Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét