Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009

NGUYỄN AN NINH

Nguyễn An Ninh (15 tháng 9 năm 1900 - 14 tháng 8 năm 1943) là một người trí thức yêu nước, một nhà văn, nhà báo Việt Nam hoạt động cách mạng đầu thế kỷ 20.

Tiểu sử

Gia thế

Nguyễn An Ninh quê ở Quán Tre, huyện Hóc Môn (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) nhưng ông sinh tại quê mẹ ở xã Long Thượng, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An). Cha ông là Nguyễn An Khương, một nhà văn có tinh thần yêu nước, tinh thông Hán học và chữ Quốc ngữ[1].

Nguyễn An Ninh còn là cháu của Nguyễn An Cư, cũng là một nhà văn, một Đông y sĩ nổi tiếng. Cả cha và chú đều được nhiều người trong nước quí trọng.


Học vấn

Nguyễn An Ninh theo học ở trường Taberd, Collège Mỹ Tho rồi Trường Chasseloup Laubat ở Sài Gòn. Năm 1915, mới 15 tuổi, ông đã được nhận làm biên tập cho tờ Courrier saigonnais. Năm sau, nhờ tốt nghiệp trung học với bằng ưu nên ông ra Hà Nội học Cao đẳng Y Dược và được miễn chuẩn bằng Tú Tài.

Nhưng học được nửa năm, Nguyễn An Ninh quyết định chuyển sang học luật tại Trường Cao đẳng Pháp chính thuộc Đại học Đông Dương. Năm 1918, ông sang Paris, Pháp, tiếp tục học đại học ngành luật tại Đại học Sorbonne. Hai năm sau, ông đã hoàn thành chương trình học tập và được cấp bằng cử nhân Luật hạng xuất sắc.


Hoạt động chính trị

Khởi đầu

Trong thời gian ở Paris, Nguyễn An Ninh liên hệ với Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Ái Quốc.

Những hoạt động của cả 5 người, đã tạo được uy tín lớn đối với kiều bào tại Pháp, nên có danh là nhóm "Ngũ Long"... Trong nhóm, ông Ninh được Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường rất tin cậy, quý mến. Đối với Nguyễn Ái Quốc, ông Ninh là bạn, là người cộng sự cùng tham gia sáng lập Hội Liên hiệp Các dân tộc thuộc địa, cùng viết bài và quảng bá cho báo Le Paria (Người cùng khổ).

Ngoài ra, Nguyễn An Ninh còn dành thời gian nghiên cứu các học thuyết cách mạng trên thế giới. Ông cũng kết giao rộng rãi với các nhà hoạt động cánh tả, cộng sản ở Pháp và một số nước khác ở châu Âu.

Ngày 5 tháng 10 năm 1922, ông về nước. Lần đầu tiên, Nguyễn An Ninh ra mắt công chúng Nam Kỳ tại Hội khuyến học Nam Kỳ số 34 đường Aviateur Garros (nay là đường Thủ khoa Huân), vào lúc 20 giờ ngày 25 tháng 1 năm 1923, với một bài diễn thuyết bằng tiếng Pháp (tạm dịch: "Chung đúc một nền học thức cho dân An Nam") cốt để kêu gọi mọi người dân Việt hãy mau "noi theo cái học thức Pháp, đặng mở mang trí dân, rộng tư tưởng của dân, làm cho giòng giống tráng kiện, mau thoát cái ách nô lệ. Bằng cứ theo nẻo hoạn đồ, lấy việc làm quan là mục đích của việc học thì hỡi ơi! Sau này giòng giống sẽ yếu ớt, ắt có ngày kia rút vô rừng mà ở!".

Sau khi ly dị với vợ là Emillie[2], ngày 22 tháng 2 năm 1923, Nguyễn An Ninh sang Pháp lần thứ hai, với ý định hoàn thành bằng Tiến sĩ Luật, nhưng ông chỉ lưu lại hơn nửa năm rồi trở về nước, dịch 5 chương đầu cuốn Khế ước xã hội (Contrat social) của Jean-Jacques Rousseau nhằm truyền bá tư tưởng "Người ta sinh ra tự do. Nhà nước là một tổ chức cai trị theo 'khế ước xã hội', vì thế nó phải phục tùng ý chí của toàn dân".

Vào đêm 15 tháng 10 năm 1923, Nguyễn An Ninh lại xuất hiện trên diễn đàn với đề tài bằng tiếng Pháp, tạm dịch: "Cao vọng của thanh niên"[3].

Ông cho rằng "cứ suy tôn Khổng tử, khó cho ta tiến bước được", "tự do không phải là một vật gì mà ta có thể chuyền tay, có thể cho hay bán. Ai cũng có thể tự do được", "thanh niên ngày nay, không ai cấm chúng ta phác họa ước mơ và cao vọng" và sau đó ông còn đả kích thực dân Pháp "khai thác bóc lột đến tận xương tủy cả Đông Dương".

Thống đốc Cognacq mấy lần gọi ông đến đe dọa và tuyên bố cấm ông diễn thuyết tại các nơi công cộng.


Ngồi tù lần thứ nhất

Nguyễn An Ninh âm thầm phản ứng bằng cách cho ra tờ báo Pháp văn La cloche fêlée (Tiếng chuông rè, có người dịch Tiếng chuông rạn) ở Sài Gòn để công kích chính sách thực dân Pháp, đề cao các nhà cách mạng, làm cho người đọc tin tưởng vào sức mạnh của dân tộc và truyền bá những tư tưởng tự do (số đầu tiên ra ngày 10 tháng 12 năm 1923).

Không những ông làm chủ bút, viết bài, xếp chữ, tự tay chăm sóc tờ báo về mọi mặt mà ông còn tự ôm đi rao bán[4].

Để đàn áp tờ báo, chính quyền thực dân đã cấm các nhà in và Sở Bưu điện không cho họ nhận in, phát hành và vận chuyển. Ai dám đi bán báo, đọc báo đều bị theo dõi (nếu là công chức sẽ bị sa thải). Thế cho nên đến số 19 thì báo phải tự đình bản (ngày 14 tháng 7 năm 1924).

Sau khi cưới người vợ khác tên Trương Thị Sáu[5] được hai tháng, vào ngày 10 tháng 1 năm 1925, ông sang Pháp lần thứ ba. Ông và Phan Chu Trinh về nước cùng một lần. Trong thời gian ở Pháp, ông Ninh viết Nước Pháp ở Đông Dương”, toát lên một tinh thần chống thực dân quyết liệt, đòi hỏi các quyền tự do dân chủ cơ bản, sơ đẳng nhất của con người. Ngoài ra, ông còn diễn thuyết tại Khách sạn Hội Bác học (Hôtel des Sociétés Savantes), Paris bài "Tinh thần dân chủ của nước Việt Nam".

Cuối năm 1925, sau khi Luật sư Phan Văn Trường (1875-1933) về nước, cho khôi phục lại Tiếng chuông rè, có ông Ninh cộng tác. Từ đây, khuynh hướng của tờ báo chống thực dân theo quan điểm chủ nghĩa Marx-Lenin rõ rệt.

Ngày 21 tháng 3 năm 1926, Nguyễn An Ninh diễn thuyết trước ba ngàn người nghe, kêu gọi chống chủ nghĩa thực dân. Ba hôm sau, ông bị Pháp bắt, kết án 18 tháng tù, nhưng chỉ bị giam 10 tháng thì được "ân xá".

Sau khi ra tù, ông đã sáng lập ra Thanh niên Cao vọng Đảng, một tổ chức yêu nước hoạt động theo nguyên tắc hội kín ở Nam Kỳ. Ông còn phối hợp với các cán bộ của Hội Việt Nam Kách mệnh Thanh niên trong vận động quần chúng và phát triển tổ chức của hội[6].


Ngồi tù lần thứ hai

Sau đó, ông Ninh qua Pháp lần thứ tư. Ở Pháp lần này, ông quan hệ với nhiều nhà yêu nước thuộc nhiều chính kiến.

Ngày 6 tháng 1 năm 1928, Nguyễn An Ninh về nước, được đồng bào đón tiếp nồng nhiệt. Ông sáng tác vở tuồng hát Hai Bà Trưng để cổ xúy tinh thần yêu nước, tháng 8 năm 1928 in xong bốn ngàn quyển, chỉ dành để ký tặng. Vở tuồng 8 cảnh chưa kịp diễn thì bị cấm.

Cuối năm 1928, ông bị bắt lần thứ hai và lần này Pháp dựng lên vụ “Hội kín Nguyễn An Ninh” để bắt mấy trăm người ủng hộ ông.

Ông bị kết án và ngồi đúng 3 năm tù, tức cho đến ngày 3 tháng 10 năm 1931, ông mới được thoát khỏi tù giam.

Ngồi tù lần thứ ba

Ra tù, Nguễn An Ninh viết cho tờ Trung Lập của Nguyễn Văn Tạo (1908-1970), cho tờ Tranh đấu của nhóm Tạ Thu Thâu (1906-1946), Trần Văn Thạch (1905-1946), Phan Văn Hùm (1902-1946). Do hoạt động quá tích cực, nên đến tháng 4 năm 1936, ông Ninh lại bị bắt về tội "phá rối trị an". Ông tuyệt thực phản đối và nhờ quần chúng đấu tranh dữ dội đòi thả ông, nên Pháp buộc lòng phải trả tự do cho ông vào tháng 11 năm ấy.


Ngồi tù lần thứ tư và lần cuối cùng

Đến tháng 7 năm 1937, Pháp lại bắt giam ông (lần thứ tư) cho đến tháng 1 năm 1939.

Ra khỏi tù, ông Ninh đi hẳn với những cộng sản trong nhóm Dân chúng và viết cho báo Dân Chúng, góp phần tổ chức nhiều cuộc biểu tình đòi các quyền tự do dân chủ, ra ứng cử vào Hội đồng quản hạt Nam Kỳ.

Tháng 9 năm 1939, Thế chiến thứ hai bùng nổ ở châu Âu. Ở Đông Dương, nhà cầm quyền Pháp liền tuyên bố thiết quân luật, ráo riết truy lùng, bắt bớ và sát hại các nhà yêu nước và chiến sĩ cách mạng, hòng ngăn ngừa nhân dân Việt vùng lên tự giải phóng mình.

Ngày 5 tháng 10 năm 1939, ông lại bị bắt lần thứ năm và cũng là lần cuối cùng. Sau đó, ông nhận án 5 năm tù lưu đày Côn Đảo. Trên đảo, ông bị hành hạ, bị đói khát triền miên khiến ông kiệt sức dần.

Nguyễn An Ninh mất trong tù vào ngày 14 tháng 8 năm 1943, hai năm trước khi Việt Nam giành lại được độc lập, hưởng dương 43 tuổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét