Ngô Nhân Tịnh (? - 1813[1]), còn được gọi là Ngô Nhơn Tịnh hay Ngô Nhân Tĩnh, tự Nhữ Sơn, hiệu Thập Anh; là quan nhà Nguyễn và là nhà thơ có tiếng trong nhóm Bình Dương thi xã.
Ông cùng Trịnh Hoài Đức (1765-1825) và Lê Quang Định (1759-1813) được người đương thời xưng tụng là Gia Định tam gia của đất Gia Định xưa.
Thân thế & sự nghiệp
Đình Minh Hương Gia Thạnh, nơi Bình Dương thi xã xướng họa.Ngô Nhân Tịnh vốn là người Minh Hương, quê gốc ở Quảng Đông (Trung Quốc). Khi nhà Thanh vào Trung Quốc, tiên tổ ông sang Gia Định lập nghiệp. Ông sinh tại Gia Định và là học trò giỏi của Võ Trường Toản (?-1792).
Dốc sức vì nhà Nguyễn
Không rõ năm Ngô Nhân Tịnh ra giúp Nguyễn Phúc Ánh (1762-1820), chỉ biết ở trong khoảng những năm đầu dựng nghiệp và ông được lãnh chức Thị độc Viện hàn lâm.
Năm 1789, ông làm Hữu tham tri Bộ Binh, được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc) để dò xét tình thế và truy tìm tin tức của vua Lê Chiêu Thống (1766-1793).
Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long, ông làm Giáp phó sứ theo Trịnh Hoài Đức và Hoàng Ngọc Uẩn sang Trung Quốc lần hai, để trình quốc thư và nộp trả ấn sách mà nhà Thanh đã phong cho nhà Tây Sơn.
Năm 1807, ông sung Chánh sứ cùng với Phó sứ Trần Công Đàn sang Chân Lạp (Campuchia), đem sắc ấn đến thành La Bích phong Nặc Ông Chân làm vua ở nước này.
Năm 1811, ông ra làm Hiệp trấn Nghệ An. Năm sau, thăng Thượng thư Bộ Công kiêm Hiệp tổng trấn Gia Định, phụ tá cho Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832).
Năm 1813, ông cùng Lê Văn Duyệt đem binh đưa Nặc Ông Chân về nước Chân Lạp. Cùng năm này, sau khi đi hội đàm cùng Xiêm La (Thái Lan) bàn việc Chân Lạp, ông bị người cùng triều vu tội tham ô, ăn của đút lót của Chân Lạp và Xiêm La, nên không còn được vua Gia Long tin tưởng như trước. Không thể giải bày, dần dà nỗi uất ức khiến ông phát sinh bệnh nặng rồi mất cùng năm này, an táng tại xã Chí Hòa, Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh).
Theo Hỏi đáp lịch sử Việt Nam tập 3 và Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển thì sau khi mất ông được phong Kim Tử vinh lộc đại phu, Thượng Khanh, tước Tịnh Viễn Hầu, thụy là Trác Gian [2]
Riêng Từ điển văn học (bộ mới) cho biết sau khi ông mất, Trịnh Hoài Đức có tâu xin được truy tặng nhưng vua Gia Long không cho. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), chỉ được cấp phu coi mộ. Đến năm Tự Đức thứ năm (1852) mới được phụ thờ vào miếu Trung hưng công thần.
Năm 1936, vì nhà cầm quyền cần nơi xây cất nhà ga, nên đã ra lệnh lấy hài cốt của ông, cải táng ở một chổ khác. [3]
Cống hiến cho văn học
Ngô Nhân Tịnh là người học rộng, giỏi văn chương, thích ngâm vịnh. Ông cùng với hai người bạn thân thiết là Lê Quang Định và Trịnh Hoài Đức, sáng lập “Bình Dương thi xã” nổi danh một thời.
Tác phẩm của ông hiện còn:
Thập Anh đường văn tập: gồm 187 bài kinh nghĩa, lấy đề tài từ Kinh thi và Kinh thư, dùng làm mẫu cho những người đi thi tham khảo.
Thập Anh đường thi tập: gồm 81 bài thơ chữ Hán làm trong thời gian đi sứ, lúc làm quan và khi xướng họa với bạn bè.
Nhất thống dư địa chí: do Lê Quang Định soạn, Ngô Nhân Tịnh nhuận chính.
Gia Định tam gia thi tập: gồm một số bài thơ, in chung với thơ của Trịnh Hoài Đức và Lê quang Định.
Sách Hỏi đáp lịch sử Việt Nam tập 3 còn cho biết: Ông là đồng tác giả Hoan Châu phong thổ ký. Đây là sáng kiến của Ngô Nhân Tịnh khi ông làm Hiệp trấn Nghệ An. Sách do ông viết lời bạt và tựa vào năm 1811. Nội dung sách viết về danh thắng, núi sông, cổ tích, phong tục, nhân vật... của trấn Nghệ An. Đây được xem là một trong các tác phẩm về địa phương chí sớm nhất của đất Hoan Châu xưa (tức Nghệ An ngày nay).
Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét