Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009

LỮ GIA

Lữ Gia (?-111 TCN), tên hiệu là Bảo Công là Tể tướng của bốn đời vua nhà Triệu nước Nam Việt. Ông là người nắm chính trường nước Nam Việt những năm cuối và cuối cùng thất bại trước cuộc xâm lăng của nhà Hán.

Cuộc đời

Theo Ngọc phả Thần tích do Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Nhâm Thân (1572) triều Lê Anh Tông niên hiệu Hồng Phúc nguyên, Lữ Gia (Lã Gia) quê huyện Lôi Dương quận Cửu Chân (huyện Thọ Xuân, Thường Xuân tỉnh Thanh Hoá ngày nay). Cha là hào trưởng Lữ Tạo, mẹ là Trương Vĩ con gái hào trưởng Vũ Ninh (Bắc Ninh ngày nay). Lữ Gia là thần đồng, đầy năm tuổi đã nói sõi, ba tuổi đã thông âm luật, tám tuổi thông cả Bách gia chư tử, Binh thư nên gọi là Bảo. Do hào trưởng họ Hàn hung nghịch, tàn bạo vốn là thấy Lữ Gia chí khí hơn người nên muốn thu nạp làm tay chân nhưng Lữ Gia không chịu khuất phục nên đã thâm thù hãm hại. Biết không thể sống được ở quê, toàn gia quyến đã chuyển đến huyện Thiên Thi (huyện Ân Thi Hưng Yên ngày nay). Khi đến trang Nam Trì (thuộc xã Đặng Lễ huyện Ân Thi, Hưng Yên ngày nay) thấy khu đất nơi ngã ba sông Kim Ngưu, Nguyệt Đức, khe nước chảy vòng chín khúc, thế đất Phượng Hoàng Hàm thư, nhân dân hiền lương nên ở lại lập quán, hành nghề lang y giúp dân. Lữ Gia nhận một người Nam Trì là Nguyễn Danh Lang là em kết nghĩa (gọi là Bảo Công, Lang Công). Sau Lữ Gia về quê và kết hôn với công chúa Lâu nương con quân trưởng Hùng Lã, một chi phái Hùng Vương lánh nạn ở châu Ô Lý.

Triệu Vũ vương chết, Triệu Văn vương nối ngôi phong Lữ Gia chức Thị tụng Tham quan. Do công sắp đặt lại kỷ cương trật tự triều chính nên năm Văn vương thứ 6, Lữ Gia được phong Tể tướng. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, Lữ Gia là Tể tướng (Thừa tướng) bốn đời vua Triệu, từ Văn Vương (136 - 125 TCN), Minh vương (124 - 113 TCN), Ai vương (112 TCN) và Thuật Dương vương (112-111 TCN).

Binh biến giết Cù Hậu

Minh Vương Triệu Anh Tề đã có con lớn là Triệu Kiến Đức với một bà vợ người Việt, nhưng vì yêu Cù Hậu là người Hán nên lập con nhỏ của Cù Hậu là Hưng lên thay. Năm 113 TCN, Minh Vương chết, Hưng nối ngôi, tức là Ai Vương.

Trước kia, thái hậu chưa lấy Minh Vương, đã từng thông dâm với An Quốc Thiếu Quý người Bá Lăng. Năm ấy nhà Hán thấy nước Nam Việt vua nhỏ nên sai An Quốc Thiếu Quý sang dụ Ai Vương và thái hậu vào chầu, như đối với các chư hầu nhà Hán, lại sai biện sĩ là bọn Gián nghị đại phu Chung Quân tuyên dụ, dũng sĩ là bọn Ngụy Thần giúp việc, vệ úy Lộ Bác Đức đem quân đóng ở Quế Dương để đợi sứ giả.

Triệu Hưng còn ít tuổi, Cù thái hậu là người Hán, Thiếu Quý đến, lại tư thông. Người nước biết, phần nhiều bất bình không theo thái hậu. Thái hậu sợ, muốn dựa uy nhà Hán, nhiều lần khuyên Triệu Hưng và các quan xin nội phụ nhà Hán, bèn nhờ sứ nhà Hán dâng thư, xin theo như các chư hầu của nhà Hán, cứ 3 năm một lần vào chầu, triệt bỏ cửa quan ở biên giới. Vua Hán bằng lòng, ban cho Ai Vương và Thừa tướng Lữ Gia ấn bằng bạc và các ấn nội sử, trung úy, thái phó, còn các chức khác được tự đặt lấy.

Cù thái hậu đã sửa soạn hành trang lễ vật quý giá để cùng Ai Vương vào chầu. Tể Tướng Lữ Gia tuổi cao chức trọng, người trong họ làm trưởng lại đến hơn 70 người, con trai đều lấy con gái vua đời trước, con gái đều gả cho con em vua và người tôn thất, cùng thông gia với Tần Vương ở quận Thương Ngô (nhà Hán). Trong nước Nam Việt, ông được lòng dân hơn cả vua. Lữ Gia nhiều lần dâng thư can Ai Vương nhưng Ai Vương không nghe.

Lữ Gia quyết định làm binh biến, thường cáo ốm không tiếp sứ giả nhà Hán. Các sứ giả nhà Hán đều muốn hại ông, nhưng thế chưa thể làm được. Triệu Hưng và thái hậu cũng sợ phe Lữ Gia khởi sự trước, muốn nhờ sứ giả nhà Hán trù mưu giết ông.

Cù thái hậu bèn đặt tiệc rượu mời sứ giả đến dự, các đại thần đều ngồi hầu rượu. Em Lữ Gia làm tướng, đem quân đóng ở ngoài cung. Tiệc rượu mới bắt đầu, thái hậu bảo ông rằng:"Nam Việt nội thuộc [Trung Quốc] là điều lợi cho nước, thế mà tướng quân lại cho là bất tiện là tại sao?"

Ý Cù thái hậu muốn chọc tức sứ giả. Sứ giả còn đương hồ nghi, chần chừ chưa dám làm gì. Lữ Gia thấy tai mắt họ có vẻ khác thường, lập tức đứng dậy đi ra. Thái hậu giận, muốn lấy giáo đâm ông nhưng Ai Vương ngăn lại.

Lữ Gia bèn ra chia lấy quân lính của em dẫn về nhà, cáo ốm không chịu gặp vua và sứ giả, ngầm cùng các đại thần chống đối. Ai vương vốn nể uy tín của Lữ Gia nên không có ý giết ông. Lữ Gia biết thế nên đến mấy tháng không hành động gì. Thái hậu muốn một mình giết Gia nhưng sức không làm nổi.

Lộ Bác Đức tâu với Vua Hán: nước Nam Việt chỉ có Bảo Công, Lang Công hai tướng tài, mưu lược trí dũng như Thánh như Thần, quân ta khó mà thắng được. Kế tốt nhất là dùng mưu chứ không thể dùng vũ lực. Lộ Bác Đức bèn sai quân mang nghìn nén vàng đến đút lót bọn cận thần của Ai Vương, dùng kế ly gián vua tôi. Bọn gian thần Ngô Quyền, Lý Ước bị mua chuộc đã tâu Ai vương: Hai tướng Bảo, Lang bắt được tướng Hán lại tha không giết là vì có âm mưu phản quốc, giảng hoà với nhà Hán nên mẹ con Ai Vương giáng chức Nguyễn Danh Lang làm Huyện lệnh Thiên Thi (Ân Thi, Hưng Yên ngày nay), Lã Gia làm Huyện lệnh Phong Châu. Nguyễn Danh Lang về đến quê thì mất, còn Lữ Gia về Phong Châu xây thành đắp lũy chống Hán.

Hán Vũ Đế nghe tin Lữ Gia không nghe mệnh, mà Triệu Hưng và thái hậu thì cô lập, không chế ngự nổi, sứ giả thì nhút nhát không quyết đoán, lại thấy Hưng và thái hậu đã nội phụ rồi, chỉ một mình Lữ Gia làm loạn, không đáng dấy quân, muốn sai Trang Sâm đem 2000 người sang sứ. Sâm từ chối không nhận. Hán Vũ Đế bèn bãi chức Sâm. Tướng Tế Bắc cũ là Hàn Thiên Thu hăng hái xin đi. Hán Vũ Đế bèn sai Thiên Thu và em Cù thái hậu là Cù Lạc đem 2000 người tiến vào đất Việt.

Lữ Gia bèn hạ lệnh cho trong nước rằng:"Vua còn nhỏ tuổi, thái hậu vốn là người Hán, lại cùng với sứ giả nhà Hán dâm loạn, chuyên ý muốn nội phụ với nhà Hán, đem hết đồ châu báu của Tiên vương dâng cho nhà Hán để nịnh bợ, đem theo nhiều người đến Trường An rồi bắt bán cho người ta làm đầy tớ, chỉ nghĩ mối lợi một thời, không đoái gì đến xã tắc họ Triệu và lo kế muôn đời".

Ông bèn cùng với em đem quân đánh, giết Triệu Ai Vương và Cù thái hậu, cùng tất cả sứ giả nhà Hán, rồi sai người đi báo cho Tần Vương ở Thương Ngô và các quận ấp, lập con trưởng của Minh Vương là Thuật Dương hầu Kiến Đức làm vua, tức là Triệu Thuật Dương Vương.

Phá Hàn Thiên Thu

Tháng 11 năm 112 TCN, Tể tướng Lữ Gia đã lập Thuật Dương Vương lên ngôi, quân của Hàn Thiên Thu tiến vào Nam Việt, đánh phá một vài ấp nhỏ.

Lữ Gia bèn mở một đường thẳng để cấp lương cho quân. Khi quân nhà Hán đến còn cách Phiên Ngung 40 dặm, thì ông xuất quân đánh, giết được bọn Thiên Thu. Sau đó ông sai người đem sứ tiết của nhà Hán cho vào trong hòm để trên núi Tái Thượng (tức là đèo Đại Dũ) dùng lời khéo để tạ tội, một mặt phát binh giữ chỗ hiểm yếu. Ông chất đá giữa sông gọi là Thạch Môn.

Thế yếu bại binh

Vua Hán nghe tin Thiên Thu bị giết, sai Phục ba tướng quân Lộ Bác Đức xuất phát từ Quế Dương, Lâu thuyền tướng quân Dương Bộc xuất phát từ Dự Chương, Qua Thuyền tướng quân Nghiêm [1] xuất phát từ Linh Lăng, Hạ lại tướng quân Giáp [2] đem quân xuống Thương Ngô, Trì Nghĩa hầu Quý [3] đem quân Dạ Lang xuống sông Tường Kha, đều hội cả ở Phiên Ngung.

Mùa đông năm 111 TCN, tướng Hán là Dương Bộc đem 9000 tinh binh hãm Tầm Hiệp, phá Thạch Môn lấy được thuyền thóc của quân Triệu, kéo luôn cả các thuyền ấy đi, đem mấy vạn người đợi Lộ Bác Đức. Bác Đức cùng Bộc hội quân tiến đến Phiên Ngung. Triệu Thuật Dương Vương và Lữ Gia cùng giữ thành. Dương Bộc tự chọn chỗ thuận tiện đóng ở mặt đông nam; Lộ Bác Đức đóng ở mặt tây bắc.

Vừa chập tối, Dương Bộc đánh bại quân Triệu, phóng lửa đốt thành. Bác Đức không biết quân trong thành nhiều hay ít bèn đóng doanh, sai sứ chiêu dụ. Ai ra hàng đều được Đức cho ấn thao và tha cho về để chiêu dụ nhau. Dương Bộc cố sức đánh, đuổi quân Triệu chạy ngược vào dinh quân của Lộ Bác Đức. Đến tờ mờ sáng thì quân trong thành đầu hàng. Triệu Vương và Gia cùng với vài trăm người, đang đêm chạy ra biển về thành Sơn Tây, sau về cố thủ ở Phong Châu.

Bác Đức dùng một tên tỳ tướng cũ của Lữ Gia là Chu Năng làm nội phản. Sau đấy, Hiệu úy tư mã là Tô Hoằng bắt được Kiến Đức, quan lang Việt là Đô Kê (có bản chép là Tôn Đô) bắt được Lữ Gia. Các xứ ở Nam Việt đều xin hàng. Lữ Gia và Triệu Vương sau đó đều bị quân Hán giết.

Theo truyền thuyết, khi ông bị bắt và chém đầu, một con chó đã cắp đầu của ông và bơi qua sông và chôn dấu. Hiện nay, đền thờ Lữ Gia vẫn còn tại một làng ở xã Quang Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đền thờ, Lăng mộ

Theo Ngọc phả: Nguyễn Danh Lang về đến quê Nam Trì thì mất nên dân làng lập đền thờ. Khi Lữ Gia bị chém quân sĩ quê Nam Trì đưa xác Lữ Gia không có đầu về Nam Trì an táng và thờ cùng Nguyễn Danh Lang. Mộ Lữ Gia và mộ Nguyễn Danh Lang bên bờ sông Nam Trì, nay lăng mộ hai ông ở gò Ba Xã, đền thờ ở gò Vườn Soi, Nam Trì. Thời Bắc thuộc các triều đại Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống của Trung Hoa đều phong Thần Lữ Gia là Trung Thiên Bảo Quốc Đại vương, Nguyễn Danh Lang là Trung Lang Tế thế Đại vương. Các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần của Việt Nam cũng sắc phong như vậy và sắc phong thêm Thượng đẳng Phúc thần; sắc phong Lâu nương Công chúa là Trung đẳng Thần. Triều hậu Lê sắc phong Lữ Gia là Cương trực hiển Thánh, Nguyễn Danh Lang là Dũng lược quả đoán và chuẩn cho trang Nam Trì lập đền thờ chính. Sau lại sắc phong thêm là Dực bảo trung hưng; Lâu nương Công chúa là Tôn tinh uyển Dực bảo trung hưng Trai tĩnh Trung đẳng Thần.

Đền còn thờ hai vị thánh địa lý phong thủy Tả Ao, Cao Biền. Sau Lữ Gia, Nguyễn Danh Lang và Cao Biền được phong thêm Bản cảnh Thành hoàng Đại vương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét