Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009

NGUYỄN BIỂU

Nguyễn Biểu (?-1413): Thân thế của Nguyễn Biểu sử sách chỉ chép là người làng Bà Hồ, huyện Chi La (nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) không chép ngày tháng năm sinh cha mẹ là ai, làm gì. Ông đỗ Thái học sinh thời Trần, đã từng theo giúp vua Trùng Quang nhà Hậu Trần từ những ngày đầu mới lên ngôi, lấy đất Bà Hồ, huyện Chi La làm căn cứ tổ chức cuộc kháng chiến chống giặc Minh. Lúc bấy giờ lực lượng kháng chiến của Giản Định đế Trần Ngỗi đã suy yếu, Trùng Quang đế đã tìm cách đưa Trần Ngỗi về Bà Hồ tôn làm Thái Thượng hoàng thống nhất lực lượng kháng chiến. Từ đó Bà Hồ chỉ còn lại lực lượng nhỏ, còn Thượng Hoàng và nhà vua cùng các tướng đều đưa quân ra trận, thời gian này nghĩa quân lúc tiến ra Bắc lúc lui về Diễn Châu, Nghệ An, nhưng sau trận thua ở Thần Đầu vào năm 1412 nghĩa quân bị tổn thất nặng. Quân Minh chiếm Thanh Hoa, Diễn Châu và thành Nghệ An, vua Trùng Quang phải rút vào giữ vùng Tân Bình Thuận Hoá và sai Nguyễn Biểu đi sứ cầu phong ở thành Nghệ An tìm kế hoà hoãn chờ đợi thời cơ.

Về việc đi sứ và cái chết của ông, Đại Việt sử ký Toàn thư chỉ chép: “Mùa hạ tháng 4 năm Quý Tỵ (1413) bọn Trương Phụ nhà Minh đánh mạnh vào Nghệ An, vua chạy về Châu Hoá sai Đài quan là Nguyễn Biểu làm sứ cầu phong mang sản vật địa phương đến Nghệ An. Trương Phụ giữ lại Biểu tức giận mắng rằng: Trong bụng đánh lấy nước bên ngoài giả làm quân nhân nghĩa đã hứa lập con cháu nhà Trần lại đặt quận huyện không những chỉ cướp lấy vàng bạc châu báu còn giết hại nhân dân, thực là giặc tàn ngược lắm. Phụ giận lắm đem ra giết”. Còn trong sách “ Nghĩa Sĩ truyện” thì chép rằng: “ Khi tới trước quân Trương Phụ bọn giặc bắt ngài lạy. Ngài đứng trơ không nhúc nhích. Nhân thế giặc đặt tiệc thết, nấu một đầu người mà mời, cốt để cho rõ ý ngài. Ngài tức thì lấy đũa khoét hai mắt, hoà với giấm mà nuốt”. Trong bản chép tay kèm ở trong gia phả họ Nguyễn có thêm: “Lúc bày tiệc ra ngài cười mà nói: “Đã mấy lúc người Nam lại được ăn đầu người Bắc”. Trương Phụ hay tin cảm phục đối xử tử tế rồi cho ông về, nhân đó Phụ hỏi viên hàng thần Phan Liêu: “ Nguyễn Biểu là người thế nào?” Liệu vốn có hiềm khích với ông bèn nói: “Người ấy là hào kiệt ở An Nam, Ngài muốn lấy nước Nam mà không có người này thì việc thành sao được”. Phụ sai người theo bắt ông lại hòng uy hiếp mua chuộc nhưng khi Nguyễn Biểu bị dẫn đến trước dinh, Trương Phụ bắt ông lạy ông vẫn đứng thẳng không hề run sợ. Phụ mắng ông vô lễ ông bèn vạch âm mưu và tội ác của giặc. Phụ tức giận sai quân đưa ông ra trói dưới cầu Yên Quốc (tức cầu Lam, một nhánh sông Lam chảy giữa hai làn Vệ Chánh và Quang Dụ xưa) cho nước lên dìm chết. Ông lấy móng tay vạch vào cột cầu 8 chữ: “ Thất nguyệt, sơ nhất nhật, Nguyễn Biểu tử” (ngày mồng 1 tháng 7 Nguyễn Biểu chết). Trương Phụ giết ông nhưng phải ngầm kính phục cho đưa thi hài về Bình Hồ an táng. Vua Trùng Quang được tin ông tử tiết hết sức thương xót sai làm văn Dụ tế, nhà sư chùa Yên Quốc cũng soạn bài văn làm lễ cầu siêu cho ông. Nguyễn Biểu vị sứ giả của dân tộc đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà Minh. Tiết tháo của Nguyễn Biểu thật là lẫm liệt, trước giặc giữ lòng chỉ nghĩ đến vua, trước vận suy của nước vẫn làm rạng danh quốc thể.

Nhân dân miền Nghệ Tĩnh lập miếu thờ, suy tôn ông là Nghĩa vương. Các triều đại sau cũng truy phong ông làm Phúc thần. Hiện nay, tại xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ có đền thờ Nguyễn Biểu được xây dựng vào thời Nhà Lê để tưởng nhớ công lao của ông

Tưởng nhớ

Nhân dân miền Nghệ An - Hà Tĩnh lập miếu thờ, suy tôn ông là Nghĩa vương. Các triều đại sau cũng đều truy phong ông làm Phúc thần. Hiện nay tại xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ có đền thờ Nguyễn Biểu được xây dựng vào thời nhà Lê để tưởng nhớ công lao của ông.

Từ năm 1941, tác giả Hoàng Xuân Hãn đã công bố trong Khai trí tiến đức, tập san số 2 và 3, mấy bài thơ Nôm đời Hậu-Trần được gom trong Nghĩa sĩ truyện: một bài của vua Trùng Quang (1409-1413) tặng Nguyễn Biểu khi lĩnh mạng đi sứ, bài họa lại và sau đó là bài thơ bữa tiệc "đầu người" của Nguyễn Biểu khi bị giặc làm áp lực, bài tế Nguyễn Biểu của vua Trùng Quang và bài tụng chí khí của Nguyễn Biểu do sư chùa Yên Quốc làm ra.

1 nhận xét: