Nguyễn Thị Giang (1909–1930), tức Cô Giang, là một nhà cách mạng người Việt chống Pháp, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, và là hôn thê của Nguyễn Thái Học.
Tiểu sử
Nguyễn Thị Giang sinh năm 1909 tại thị xã Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang, em ruột Nguyễn Thị Bắc, tức Cô Bắc.
Trước khi Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) thành lập, Cô Giang cùng với chị là Nguyễn Thị Bắc đã tham gia Việt Nam Dân Quốc, một tổ chức chống Pháp của Nguyễn Khắc Nhu tức Xứ Nhu.
Năm 1927 khi Việt Nam Quốc Dân Đảng thành lập, Việt Nam Dân Quốc sát nhập vào VNQDĐ, Nguyễn Thị Giang được cử vào chức vụ Tổng Thư Ký. Ngoài ra, Cô còn giữ vai trò trọng yếu trong việc thành lập và tổ chức binh đoàn Yên Bái, chỉ huy mặt trận Bắc Ninh trong cuộc tổng khởi nghĩa Yên Bái ngày 10 tháng 2 năm 1930 của VNQDĐ.
Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ngày 17 tháng 6 năm 1930 Cô Giang từ Hà Nội lên Yên Bái đến tận pháp trường chứng kiến cái chết của đảng trưởng và 12 đồng chí. Ngày hôm sau, 18 tháng 6 năm 1930, cô về lạy tạ cha mẹ của Nguyễn Thái Học ở Thổ Tang, trên đường đi ra, cô ghé quán chè (trà) cạnh cây đa cổ thụ trên đường vào làng Thổ Tang, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên dùng súng ngắn tuẫn tiết theo chồng. Cô để lại hai bức thư tuyệt mệnh.
Hai bức thư của Cô Giang trước khi tuẫn tiết
Bức Thứ Nhất:
Thưa Thày, Mẹ,
Con chết là vì hoàn cảnh bó buộc con. Không báo được thù nhà, rửa được nhục cho nước! Sau khi đã đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở Đền Hùng. Giờ con tìm về chỗ quê cha đất tổ, mượn phát súng này mà kết liễu đời con. Đứa con dâu bất hiếu kính lạy,
Nguyễn Thị Giang, Yên Bái, 17.06.1930
Bức Thứ Hai:
Anh đã là người yêu nước. Không làm tròn được nghĩa vụ cứu quốc. Anh giữ lấy tấm linh hồn cao cả để về chiêu binh rèn lính ở dưới suối vàng. Phải chịu đựng nhục nhã mới có ngày mong được vẻ vang. Các bạn đồng chí phải sống lại sau anh để đánh đổ cường quyền mà cứu lấy đồng bào đau khổ.
Thân không giúp ích cho đời!
Thù không trả được cho người tình chung!
Dẫu rằng đương độ trẻ trung,
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh;
Con đường tiến bộ mông mênh,
Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao!
Bây giờ hết kiếp thơ đào,
Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây!
Dẫu rằng chút phận thơ ngây,
Sổ đồng chí đã có ngày ghi tên;
Chết đi dạ những buồn phiền,
Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình!
Đảng kỳ phất phới trên thành,
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ!
Cực lòng nhỡ bước sa cơ,
Chết sầu chết thảm có thừa sót sa,
Thế ru! Đời thế ru mà.
Đời mà ai biết! Người mà ai hay!
Nguyễn Thị Giang, Yên Bái, 17.06.1930
Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét