Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009

TỰ HÀO LỊCH SỬ VIỆT NAM

Tự hào lịch sử Việt Nam Dân tộc Việt Nam đã được hình thành và bước đầu phát triển trên vùng châu thổ sông Hồng và sông Mã phía Bắc của Việt Nam ngày nay. Con người từ các vùng đồi núi xuống vùng đồng bằng, từ đời này sang đời khác đã khai hoá đất để trồng trọt. Họ đã tạo ra một hệ thống đê điều để chế ngự dòng sông Hồng gây nhiều lũ lụt hàng năm. Quá trình lao động không ngừng để chế ngự nước - chống lũ, lụt, bão, hạn hán, xây dựng đê điều, đào kênh phục vụ cho việc trồng lúa - đã tạo nên nền văn minh lúa nước và văn hoá làng xã.

Vào thời đại Đồ đồng đã ra đời một nền văn minh thống nhất và độc đáo, đạt mức độ kỹ thuật và nghệ thuật cao, nền văn minh Đông Sơn rực rỡ. Các nghiên cứu nhân chủng, lịch sử và khảo cổ gần đây đã khẳng định sự tồn tại một thời kỳ các Vua Hùng khoảng 1000 năm trước Công nguyên trên Vương quốc Văn Lang, sau đó đổi tên là Âu Lạc. Đến thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, Âu Lạc đã bị xâm chiếm và sát nhập vào đế chế phong kiến Hán hùng mạnh ở phương Bắc. Nhưng sự thống trị của phong kiến Trung Hoa kéo dài mười thế kỷ đã không bẻ gẫy được sức kháng cự của dân tộc và không đồng hoá được nền văn hoá Việt Nam.

Vào thế kỷ thứ mười sau Công nguyên đất nước đã giành được độc lập vững chắc và xây dựng một nhà nước độc lập mang tên Đại Việt. Đất nước đã trải qua nhiều triều đại vua chúa phong kiến mà quan trọng nhất là triều Lý (thế kỷ 11 và 12), triều Trần (thế kỷ 13 và 14), triều Lê (thế kỷ 15, 16 và 17) với một nền hành chính tập quyền, một lực lượng quân đội mạnh, một nền kinh tế và văn hoá phát triển cao. Trong suốt thời kỳ này, Việt Nam phải liên tục đấu tranh chống lại các âm mưu xâm lược của các đế chế phong kiến Trung Hoa và Mông Cổ. Các cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ chống quân xâm lược Tống (thế kỷ 11), Nguyên (thế kỷ 13), Minh (thế kỷ 15) đã giành những thắng lợi vang dội. Sau mỗi cuộc kháng chiến, Việt Nam trở nên mạnh hơn, các dân tộc đoàn kết hơn và đất nước bước vào một thời kỳ cường thịnh mới.

Nền văn hoá Đông Sơn được bổ sung bởi ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa đã phát triển qua nhiều thế kỷ trong khuôn khổ một nhà nước độc lập. Phật giáo, Nho giáo, Khổng giáo thâm nhập vào Đại Việt mang theo nhiều yếu tố văn hoá quần chúng và nhiều hình thức đặc biệt. Tuy vậy, Việt Nam vẫn có ngôn ngữ riêng và một nền văn minh nông nghiệp phát triển khá cao.

Đến thế kỷ 17 và 18, chế độ phong kiến Việt Nam suy yếu nghiêm trọng. Các cuộc khởi nghĩa nông dân liên tục diễn ra đã dẫn đến phong trào Tây Sơn (1771-1802). Tây Sơn đã tiêu diệt các chế độ vua chúa cát cứ, thống nhất đất nước, đánh đuổi quân xâm lược Thanh (Trung Quốc) đồng thời ban hành nhiều cải cách xã hội và văn hoá. Nhưng không lâu sau đó với sự giúp đỡ của ngoại bang, Nguyễn Ánh đã giành được quyền thống trị và lập nên triều đình nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

Vào giữa thế kỷ 19 (1858), thực dân Pháp bắt đầu cuộc xâm chiếm Việt Nam. Triều đình nhà Nguyễn bất lực đã dần dần nhân nhượng quân xâm lược và từ năm 1884 Pháp thiết lập chế độ bảo hộ và thuộc địa trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu, các phong trào kháng chiến quần chúng dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước nổ ra ở khắp mọi nơi, nhưng cuối cùng đều thất bại.

Nguyễn Ái Quốc, sau đó trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã hoạt động ở nước ngoài để tìm con đường cứu nước. Người đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, quần chúng nhân dân đã đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp và quân chiếm đóng Nhật, thực hiện cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 2/9/1945.

Nước Việt Nam non trẻ vừa mới ra đời lại phải đương đầu với các âm mưu xâm lược và can thiệp của Pháp và Mỹ, phải tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài suốt 30 năm sau đó. Trước hết, sự trở lại xâm lược của Pháp đã gây ra cuộc kháng chiến 9 năm (1945-1954) của Việt Nam, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève về Việt Nam năm 1954. Theo Hiệp định này, đất nước tạm thời bị chia làm hai vùng lãnh thổ miền Bắc và miền Nam lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến và sẽ được thống nhất hai năm sau đó (1956) thông qua một cuộc tổng tuyển cử. Miền Bắc Việt Nam vào thời kỳ nay mang tên Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động với Thủ đô là Hà Nội. Miền Nam mang tên Việt Nam Cộng hoà nằm dưới sự quản lý của chính quyền thân Pháp, rồi thân Mỹ đặt tại Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn sử dụng mọi sức mạnh để ngăn chặn cuộc tổng tuyển cử, đàn áp và loại bỏ những người kháng chiến cũ, do vậy xuất hiện phong trào đấu tranh vì hoà bình, thống nhất đất nước. Chính quyền Sài Gòn đã không thể ngăn cản được nguyện vọng thống nhất đất nước của quần chúng, đặc biệt từ ngày Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, ngày 20/12/1960.

Để duy trì Chế độ Sài Gòn, Mỹ đã tăng cường viện trợ quân sự. Đặc biệt kể từ giữa thập kỷ 60 Mỹ đã gửi nửa triệu quân Mỹ và đồng minh đến miền Nam Việt Nam trực tiếp tham chiến, và từ 5/8/1964 bắt đầu ném bom miền Bắc Việt Nam. Nhưng nhân dân Việt Nam, theo lời dạy của Chủ Tịch Hồ Chí Minh "Không có gì quý hơn độc lập tự do", đã đứng vững và giành nhiều thắng lợi ở cả hai miền Nam và Bắc. Năm 1973, Washington buộc phải ký hiệp định Paris về lập lại hoà bình ở Việt Nam và rút toàn bộ quân đội Mỹ ra khỏi Việt Nam. Mùa xuân năm 1975, trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc và được sự đồng tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý và tiến bộ trên thế giới, các lực lượng vũ trang yêu nước Việt Nam đã thực hiện cuộc tổng tiến công đè bẹp Chính quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009

AN DƯƠNG VƯƠNG


Nguồn gốc

Tới nay có các thuyết khác nhau về An Dương Vương nói chung và nguồn gốc của An Dương Vương nói riêng.

Người Âu Việt phía bắc Lạc Việt

Cùng tồn tại ở vùng Bắc Bộ vào thời kỳ Hồng Bàng, có các bộ tộc Âu Việt sống xen kẽ với người Lạc Việt và người Thái. Cuối thời kỳ Hồng Bàng, các bộ tộc Âu Việt lập ra nước Thục ở mạn đông bắc của Văn Lang (thuộc khu vực đông nam Quảng Tây ngày nay), nhưng vẫn thường xuyên giao lưu với Lạc Việt. Đến đời Thục Phán, đã chiếm hết đất đai của các Hùng Vương, thống nhất nó với lãnh thổ Âu Việt thành nước Âu Lạc (ghép tên Âu Việt và Lạc Việt). Thục Phán tự xưng là vua năm 257 TCN, hiệu là An Dương Vương, đóng đô ở Phong Khê (nay là vùng Cổ Loa, huyện Đông Anh - Hà Nội).

Con cháu nước Thục ở Trung Hoa

Có thuyết cho rằng gia đình Thục Phán là hậu duệ của các vua Khai Minh nước Thục thời Chiến Quốc, chạy về phía Nam để tránh bạo loạn vào cuối thời Chiến Quốc và khi nhà Tần nổi lên. Thục Phán đã đến vùng lãnh thổ của người Âu Việt (nay là đông nam Quảng Tây, tây nam Quảng Đông, Trung Quốc và đông bắc Việt Nam) gây dựng lực lượng quân sự tại đây.
Tuy nhiên, thuyết này bị nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ. Khoảng cách từ Tứ Xuyên tới miền Bắc Việt Nam là khoảng 3000 km*, và khoảng thời gian từ khi nước Thục bị Tần diệt (316 TCN) đến khi An Dương Vương lên ngôi ở Việt Nam (257 TCN) là gần 60 năm.
Ghi chú: thực ra khoảng cách từ thung lũng Tứ Xuyên tới đông nam Quảng Tây ngày nay chỉ khoảng 700km-1000km (xem bản đồ Trung Quốc) chứ không phải 3000km. Với khoảng cách này thì con cháu vua Thục (Shu)-Tứ Xuyên chỉ cần đi qua tỉnh Quý Châu là tới Quảng Tây được, nên thuyết cho rằng Thục Phán là con cháu của dòng họ Thục-Tứ Xuyên cũng hợp lý
Sách "Ngược dòng lịch sử" của GS Trần Quốc Vượng cho rằng sau khi nước Thục bị Tần diệt, con nhỏ vua Thục là Thục Chế được lập lên ngôi, lưu vong về phía đông nam. Tuy nhiên qua thế hệ Thục Chế vẫn phải lẩn trốn trước sự truy nã của Tần và không có cơ hội khôi phục nước Thục cũ. Cuối cùng tới con Thục Chế là Thục Phán thì hình thành quốc gia nằm ở phía bắc Lạc Việt của họ Hồng Bàng...

Nghi vấn

Mỗi giả thuyết nên trên đều có những chỗ đáng ngờ và chỗ đáng ngờ chung là: Cho tới đầu công nguyên thời Hai Bà Trưng, người Việt vẫn chưa có họ. Do đó họ Thục của An Dương Vương là một vấn đề nghi vấn. Tựu chung, cả hai thuyết đều có chỗ đúng và có thể ghép lại thành một diễn biến xâu chuỗi: Nước Thục (ở Tứ Xuyên ngày nay) mất năm 316 TCN. Sau vài lần chống Tần thất bại (xem bài nước Thục), con cháu chạy xuống phía đông nam và đóng ở phía bắc nước Văn Lang, sống với người Âu Việt. Sau một thời gian đứng vững, thủ lĩnh Âu Việt tiêu diệt thôn tính Lạc Việt. Trong trường hợp này, không hẳn thủ lĩnh Âu Việt đã là dòng dõi nước Thục cũ mà có thể chỉ là con cháu của tướng lĩnh, quan lại cũ của Thục, xưng làm họ Thục để thu phục nhân tâm vùng Âu Việt.
Bộ sử lâu đời nhất và gần thời An Dương Vương nhất là Sử ký Tư Mã Thiên chỉ nhắc tới nước Âu Lạc mà không nhắc tới An Dương Vương hay họ Thục.
Nhà nghiên cứu, tu sĩ Phật giáo Lê Mạnh Thát cho rằng truyền thuyết An Dương Vương đánh bại Hùng vương thứ 18 lập nên nhà nước Âu Lạc chỉ là một phiên bản của chuyện Mahabharata từ Ấn Độ truyền sang. Và thành Cổ Loa chưa chắc đã là thành do An Dương Vương cho xây dựng nên.

Lịch sử và truyền thuyết

Lập quốc

Đại Việt Sử ký Toàn thư chép: "Vua Hùng Vương có người con gái nhan sắc tuyệt vời tên gọi là Mỵ Nương. Vua nước Thục nghe tin, sai sứ cầu hôn. Vua Hùng Vương muốn gả nhưng Lạc Hầu can rằng: Thục muốn lấy nước ta, chỉ mượn tiếng cầu hôn đó thôi. Không lấy được Mỵ Nương, Thục Vương căm giận, dặn lại con cháu phải diệt Văn Lang mà chiếm lấy nước. Đời cháu Thục Vương là Thục Phán mấy lần đem quân sang đánh nước Văn Lang. Nhưng Vua Hùng Vương có tướng sĩ giỏi, đã đánh bại quân Thục. Vua Hùng Vương nói: Ta có sức thần, nước Thục không sợ hay sao? Bèn chỉ say sưa yến tiệc không lo việc binh bị. Bởi thế, khi quân Thục lại kéo sang đánh nước Văn Lang, vua Hùng Vương còn trong cơn say. Quân Thục đến gần, Vua Hùng trở tay không kịp phải bỏ chạy rồi nhảy xuống sông tự tử. Tướng sĩ đầu hàng. Thế là nước Văn Lang mất.

Có trích trong Đại Việt sử ký toàn thư "Giáp Thìn, năm thứ 1 [257 TCN], (Chu Noãn Vương năm thứ 58). Vua đã thôn tính được nước Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc. Trước kia vua nhiều lần đem quân đánh Hùng Vương, nhưng Hùng Vương binh hùng tướng mạnh, vua bị thua mãi. Hùng Vương bảo vua rằng: "Ta có sức thần, nước Thục không sợ ư ?" Rồi Hùng Vương bỏ không sửa sang võ bị, chỉ ham ăn uống vui chơi. Quân Thục kéo sát đến nơi, hãy còn say mềm chưa tỉnh, rồi thổ huyết nhảy xuống giếng chết, quân lính quay giáo đầu hàng Thục Vương."

Chống Tần

Cùng thời kỳ này, bên Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng sát nhập 6 nước sau nhiều năm hỗn chiến thời chiến quốc. Ông tiếp tục tham vọng xâm chiếm Bách Việt, vùng đất đai của các bộ tộc người Việt ở phía nam Trung Quốc và bắc Việt Nam ngày nay. Đạo quân xâm lược nhà Tần do Đồ Thư chỉ huy đã mon men vào lãnh thổ Âu Lạc nhưng gặp phải cuộc kháng chiến trường kì của Tướng Thục Phán. Sau 10 năm giao chiến, Đồ Thư bỏ mạng và quân Tần phải chạy về nước.
Năm 218 trước công nguyên, Tần Thuỷ Hoàng huy động 50 vạn quân chia làm 5 đạo đi chinh phục Bách Việt. Để tiến xuống miền Nam, đi sâu vào đất Việt, đạo quân thứ nhất phải đào con kênh nối sông Lương (vùng An Hưng, Trung Quốc ngày nay) để chở lương thực. Nhờ vậy, Đồ Thư thống lĩnh đã vào được đất Tây Âu, giết tù trưởng, chiếm đất rồi tiến vào Lạc Việt. Thục Phán được các Lạc tướng suy tôn làm lãnh tụ chung chỉ huy cuộc kháng chiến này. Khi Đồ Thư đem quân tiến sâu vào đất Lạc Việt, Thục Phán lãnh đạo nhân dân chống giặc . Quân Tần đi đến đâu, Nhân dân Việt làm vườn không nhà trống đến đó. Quân Tần dần lâm vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Khi quân Tần đã kiệt sức,vì thiếu lương , thì Quân dân Việt, do Thục Phán chỉ huy, mới bắt đầu xuất trận. Đồ Thư đã phải bỏ mạng trong trận này. Mất chủ tướng, quân Tần hoang mang mở đường tháo chạy về nước. Sau gần 10 năm kháng chiến, nhân dân Âu Việt – Lạc Việt giành được độc lập. Thục Phán củng cố và xây dựng lại đất nước.

Xây thành Cổ Loa

Sau chiến thắng trước quân Tần, Thục Vương quyết định giao cho tướng Cao Lỗ xây thành Cổ Loa nhằm củng cố thêm khả năng phòng thủ quân sự. Tục truyền rằng Thục An Dương Vương xây thành nhiều lần nhưng đều đổ. Sau có thần Kim Quy hiện lên, bò quanh bò lại nhiều vòng dưới chân thành. Thục An Dương Vương bèn cho xây theo dấu chân Rùa vàng. Từ đó, thành xây không đổ nữa. An Dương Vương cũng phát triển thuỷ binh và cho chế tạo nhiều vũ khí lợi hại, tạo lợi thế quân sự vững chắc cho Cổ Loa.

Thành Cổ Loa được xây bằng đất do thời ấy ở Âu Lạc chưa có gạch nung. Thành có 3 vòng. Chu vi ngoài 8 km, vòng giữa 6,5 km, vòng trong 1,6 km... Diện tích trung tâm lên tới 2 km². Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4-5 m, có chỗ 8-12 m. Chân lũy rộng 20-30 m, mặt lũy rộng 6-12 m. Khối lượng đất đào đắp ước tính 2,2 triệu mét khối. Khu vực Cổ Loa được coi là một nền đất yếu nên việc xây dựng thành Cổ Loa có thể khó khăn và thành bị đổ nhiều lần là dễ hiểu. Khi xẻ dọc thành để nghiên cứu, các nhà khảo cổ học phát hiện kỹ thuật gia cố thành của Thục Phán: chân thành được chẹn một lớp tảng đá. Hòn nhỏ có đường kính 15 cm, hòn lớn 60 cm. Xung quanh Cổ Loa, một mạng lưới thủy văn dầy đặc đã được tạo ra, thành một vùng khép kín, thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ thủy binh hùng mạnh. Thuở ấy, sông Thiếp – Ngũ Huyền Khê - Hoàng Giang thông với sông Cầu ở Thổ Hà, Quả Cảm (Hà Bắc) thông với sông Hồng ở Vĩnh Thanh (Đông Anh). Ngay sau khi xây thành, Thục An Dương Vương đã chiêu tập những thợ mộc giỏi, sử dụng gỗ ở địa phương đóng thuyền chiến. Nhân dân cũng được điều tới khai phá rừng đa (Gia Lâm), rừng Mơ (Mai Lâm), rừng dâu da (Du Lâm)... thành ruộng. Những hiệp thợ chuyên rèn vũ khí cũng xuất hiện, chế tạo côn, kiếm, dáo, mác và nỏ liên châu, mỗi phát bắn nhiều mũi tên. Có nhiều bằng chứng khảo cổ về sự tồn tại của hàng chục vạn mũi tên đồng, có thể dùng nỏ liên châu ở đây. Xem thêm truyền thuyết Cổ Loa.

Mắc kế thông gia

Ít lâu sau, Triệu Đà từ quận Nam Hải (Quảng Đông bây giờ) sang đánh Âu Lạc. Nhờ vào chuẩn bị quân sự tốt, An Dương Vương đã chống cự được hiệu quả. Triệu Đà buộc phải dùng kế nội gián bằng cuộc kết hôn giữa con trai mình, Trọng Thủy, và con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Sau khi nắm được bí mật quân sự của An Dương Vương thông qua con trai, Triệu Đà đã thành công trong việc chinh phục Âu Lạc, buộc An Dương Vương bỏ chạy và tự tử, kết thúc thời kỳ An Dương Vương.

Về năm mất của triều đại An Dương Vương, các tài liệu ghi chép khác nhau. Đa phần sách sử Việt Nam (Đại Việt Sử ký Toàn thư, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Việt sử Tiêu án) đều chép là An Dương Vương mất nước năm 208 TCN. Sách giáo khoa của Việt Nam căn cứ vào Sử Ký của Tư Mã Thiên ghi nước Âu Lạc mất năm 179 TCN. Sở dĩ như vậy vì Sử Ký chép là Triệu Đà diệt nước Âu Lạc "Sau khi Lã Hậu chết", mà Lã Hậu chết năm 180 TCN, do đó nước Âu Lạc mất khoảng năm 179 TCN. Truyền thuyết An Dương Vương, Nỏ Thần, và con trai Triệu Đà là Trọng Thuỷ ở rể nước Việt có nhiều chỗ không hợp với Sử Ký của Tư Mã Thiên, mặc dầu Sử Ký là nguồn tư liệu sớm nhất mà các nhà viết sử Việt Nam có được để tham khảo.

Trong sử ký Tư Mã Thiên nói đến nước Âu Lạc có thể không chỉ Bắc Việt Nam ngày nay, nhiều khả năng thêm cả vùng Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây của người Bách Việt mà người Hán chưa mở rộng đến được. Triệu Đà xưng đế ở phương Nam gồm có cả các vùng này, vì vậy có thể giải thích chênh lệch thời gian Triệu Đà thắng An Dương Vương ở Bắc Việt Nam với thời gian Triệu Đà chiếm xong toàn bộ nước Âu Lạc theo Sử Ký.

Nếu việc Trọng Thủy chết theo vợ là đúng, thì điều này mâu thuẫn với thông tin về con của Thủy là Triệu Hồ. Triệu Hồ là cháu Triệu Đà, được nối ngôi ông nội khi cha đã mất, sử ghi Hồ mất năm 124 TCN, thọ 52 tuổi. Như vậy Hồ sinh năm 175 TCN. Nếu Thủy mất ngay năm 179 TCN thì không thể sinh ra Hồ. Do đó, theo truyền thuyết, Triệu Đà không diệt Âu Lạc ngay sau khi Lã Hậu chết như chép trong Sử Ký của Tư Mã Thiên (xem thêm bài Triệu Đà)
Tóm lại, câu chuyện về An Dương Vương và nỏ thần mang đậm màu sắc truyền thuyết, còn nhiều điều chưa sáng tỏ, nhưng theo nhà triết học Hegel thì "truyền thuyết ví như dàn giáo làm chống đỡ lịch sử, nếu gỡ bỏ truyền thuyết thì lịch sử có nguy cơ bị sụp đổ theo."
Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục chép dẫn theo sách Thái bình hoàn vũ ký, phần Nam Việt chí của Nhạc Sử nhà Tống:
An Dương Vương cai trị Giao Châu, Úy Đà đem quân sang đánh. An Dương Vương có Cao Thông (Cao Lỗ) giúp đỡ, chế ra cái nỏ, bắn một phát giết chết quân [Nam] Việt hàng vạn người, bắn ba phát giết đến ba vạn. Triệu Đà biết rõ duyên cớ, liền lui về đóng ở Vũ Ninh, rồi cho con là Trọng Thủy sang làm tin, xin hòa hảo với nhau. Về sau, An Dương Vương đối xử với Cao Thông không được hậu, Cao Thông bỏ đi. An Dương Vương có người con gái là Mị Châu, thấy Trọng Thủy đẹp trai, liền phải lòng. Về sau, Trọng Thủy dụ dỗ Mị Châu đòi xem nỏ thần, Mị Châu đem cho xem. Trọng Thủy nhân đấy bẻ hỏng cái lẫy nỏ, rồi lập tức sai người ruổi về báo tin cho Triệu Đà. Triệu Đà lại đem quân sang đánh úp. Khi quân Triệu kéo đến, An Dương Vương đem nỏ ra bắn như trước, nhưng nỏ hỏng rồi! Quân Thục chạy tan tác. Triệu Đà phá được Thục.
Ngày nay, mẫu truyện lịch sử này đã được liệt vào một trong những dạng chiến tranh gián điệp rất sớm của lịch sử Việt Nam.

Đền thờ An Dương Vương gần Hà Nội

Di tích của thành Cổ Loa vẫn còn lưu lại cho đến nay, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía đông bắc. Đền thờ An Dương Vương nằm ở trung tâm di tích này. Các nghiên cứu khảo cổ học tại đây vẫn tiếp tục làm sáng tỏ các thời kỳ lịch sử mà thành đã trải qua.

ÂU DƯƠNG LÂN

Âu Dương Lân quê ở Tiền Giang, là con của cụ cử nhân Âu Dương Xuân(từng đỗ cử nhân hạng 9 khoa năm 1842). Theo truyền thống của gia đình Ông miệt mài cố gắng học tập, khoa thi năm 1858 ông đỗ cử nhân hạng 5, sau đó ông được cử ra làm quan và làm đến chức tri huyện(Tri huyện Kiến Xương), .

Khi giặc Pháp xâm chiếm Nam bộ, với tinh thần yêu nước của kẻ sĩ, với lòng căm thỉ giặc sâu sắc, ông đã sớm đứng trong hàng ngũ của những người kháng chiến. Với chức trách của một quan tri huyện giàu lòng yêu nước thương dân, ông đã tổ chức và phối hợp với những lãnh tụ nổi tiếng kháng Pháp lúc bấy giờ như Nguyễn Văn Chắt, Lê Công Thành, Phạm Văn Đổng nổi dậy khởi nghĩa đánh Pháp ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên

Năm 1872, dân chúng các vùng lân cận tham gia khởi nghĩa ngày càng đông, các cuộc kháng chiến, phá đồn bốt giặc khắp vùng Cần Thơ, An Giang và Vĩnh Long... Nhưng phong trào khởi nghĩa của Âu Dương Lân thực sự lớn mạnh và gây tiếng vang lớn sau khi kết hợp được với Nguyễn Hưu Huân vừa được Pháp thả về. Ông đã cùng Thủ Khoa Huân xây dựng vững mạnh và tiếp tục kháng chiến tại vùng Định Tường suốt từ năm 1872 đến năm 1874. Đến giữa năm 1874 do thiếu thốn vũ khí, lương thực, nên lực lượng suy yếu dần. Cũng trong năm 1874, ông cùng nghĩa quân tiến công thành Mỹ Tho và đã thất bại, Rất nhiều người hy sinh và bị bắt, trong nhóm bị bắt có Nguyễn Hữu Huân. Bọn chúng đưa Nguyễn Hữu Huân lên Sài Gòn, rồi sau lại giải về Mỹ Tho giam giữ. Sau khi giở trò mua chuộc bị thất bại, thực dân Pháp xử tử Nguyễn Hữu Huân ngày 19-05-1875 (15-4) Ất Hợi tại quê nhà. Mấy tháng sau, Âu Dương Lân cũng bị thực dân Pháp bắt được và đem xử chém bên bờ sông Mỹ Tho.

Tên tuổi của Âu Dương Lân và những anh hùng đã tham gia khởi nghĩa sẽ được ghi mãi trong trang sử vàng oanh liệt của dân tộc Việt Nam.

BÀ LÊ CHÂN


Lê Chân (? - 43), là nữ tướng của Hai Bà Trưng. Bà được coi là người có công khai khẩn lập nên vùng đất đời sau phát triển thành thành phố Hải Phòng ngày nay.

Tiểu sử và sự nghiệp

Tương truyền bà quê làng An Biên (tên cổ là làng Vẻn), huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn An Biên, xã An Thủy, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Theo thần tích đền Nghè, cha Lê Chân là Lê Đạo và mẹ là Trần Thị Châu[1]. Bà là người có nhan sắc, giỏi võ nghệ lại có tài thơ phú nên tiếng đồn đến tai thái thú nhà Hán là Tô Định. Tô Định toan lấy bà làm thiếp nhưng bị cha mẹ bà cự tuyệt, theo truyền thuyết, chính vì thế họ đã bị sát hại. Lê Chân phải bỏ quê theo đường sông xuôi xuống phía Nam, đến vùng An Dương, cửa sông Cấm, thấy địa hình, đất đai thuận lợi bà dừng lại lập trại khai phá. Cùng với thân quyến và người làng mà bà cho đón ra, Lê Chân phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và đánh bắt thủy hải sản tạo nên một vùng đất trù phú. Nhớ cội nguồn, bà đặt tên vùng này là An Biên trang. Cùng với phát triển sản xuất, bà chiêu mộ trai tráng để luyện binh và được sự ủng hộ của nhân dân quanh vùng. Binh sỹ của Lê Chân được huấn luyện chu đáo và có sở trường về thủy trận. Năm 40, khi Hai Bà Trưng dấy binh, bà đem theo binh lính gia nhập quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Trong các trận đánh, bà thường được cử làm nữ tướng quân tiên phong, lập nhiều chiến công. Sau khi thu phục 65 thành, Tô Định phải lui về nước, bà được Trưng Vương phong là Thánh Chân công chúa, giữ chức chưởng quản binh quyền nội bộ, đứng ra tổ chức, luyện tập quân sĩ, tăng gia sản xuất. Năm 43, Mã Viện lại đưa quân sang xâm lược, quân Hai Bà Trưng chống cự không nổi, hai Bà trầm mình xuống Hát Giang tự vẫn. Lê Chân cũng mất năm đó nhưng về cái chết của bà, theo truyền thuyết, có một số giả thiết sau:

Bà trầm mình theo Hai Bà Trưng tự vẫn.

Bà hy sinh khi chiến đấu tại vùng núi thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam hoặc trầm mình tự vẫn sau những cuộc chiến đấu ở vùng này.
Sau khi chống quân Mã Viện ở vùng sông Bạch Đằng không thành công, bà phải lui về hồ Tây rồi Mai Động, Hà Nội và hy sinh ở đây.
Theo truyền thuyết dân gian, trong các lễ hội, ngày 8 tháng 2 âm lịch là ngày sinh và 25 tháng 12 âm lịch là ngày mất của Lê Chân. Các vua đời sau cũng có chiếu phong bà là Thượng đẳng phúc thần công chúa

BÀ TRIỆU


Bà Triệu , còn gọi là Triệu Trinh Nương, tên thật là Triệu Thị Trinh hay Lệ Hải Bà Vương, hay Nhuỵ kiều tướng quân, sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (226), là một trong những vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam, Bà Triệu còn được gọi là Triệu Ẩu theo cách gọi của người Trung Hoa ('"ẩu" nghĩa là bà già, bà lão). Bà là người Quan Yên, quận Cửu Chân, nay thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa và là em của Triệu Quốc Đạt.

Khởi nghĩa

Năm 246, bà đã cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt dựng cờ khởi nghĩa và sau khi Triệu Quốc Đạt chết (248), bà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại sự xâm lược của quân Đông Ngô, do Lục Dận (cháu của Lục Tốn), thứ sử Giao Châu chỉ huy. Nhiều nghĩa binh đã tử trận vào năm đó. Theo Trần Trọng Kim trong Việt sử lược, bà chống đỡ với quân Đông Ngô được 5-6 tháng thì thua chạy đến xã Bồ Điền và tự tử. Khi ấy Triệu Thị Trinh mới 23 tuổi. Còn Lê Mạnh Thát dẫn Thiên nam ngữ lục và Ngụy chí mà kết luận rằng Bà Triệu đã không thua bởi tay Lục Dận, trái lại đã đánh bại Lục Dận. Lục Dận chỉ chiếm được vùng đất nay thuộc Quảng Tây. Bà Triệu đã giữ được độc lập cho đất nước đến khi Đặng Tuân được Tôn Hựu sai sang đánh Giao Chỉ vào năm 257.

Tại nơi bà mất là núi Tùng, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa vẫn còn di tích lăng mộ của bà, cách nơi bà mất không xa (ngay bên quốc lộ 1A) là khu thờ bà. Hằng năm, vào ngày 21 tháng 2 âm lịch, người dân trong vùng vẫn tổ chức tế giỗ bà để tưởng nhớ.

Hiện nay ở Hà Nội, tên bà được đặt tên cho một con đường: phố Bà Triệu.

Câu nói nổi tiếng

Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ[3], chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!

BÙI ĐÌNH TÚY

Bùi Đình Túy(1914 – 1967) cũng được biết đến như là Đinh Thúy, một trong những nhà báo ảnh thuộc vào hàng nổi tiếng nhất Việt Nam, sinh năm 1914 trong một gia đình nông dân ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Sinh ra với tình yêu và tài năng dành cho nghệ thuật, năm 21 tuồi Bùi Đình Túy đã một mình khăn gói ra Hà Nội và tìm đến trường Bách Khoa Hà Nội để tham gia các khóa học nhiếp ảnh và vẽ.

Một năm sau Ông tham gia nhóm sinh viên đình công ủng hộ cho mặt trận Đông Dương và bị trục xuất, Sau đó Ông vào Sài Gòn và làm việc cho một rạp chiếu phim Indochine Cinema với vai trò là một họa sĩ. Không lâu sau Ông bị chính quyền thuộc địa Pháp bắt giam vì những hoạt động chống đối. Nhưng Ông đã thoát được và tham gia vào phong trào Việt Minh hoạt động tại khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn.

Sau Cách Mạng Tháng Tám thành công năm 1945 Bùi Đình Túy làm việc tại văn phòng nhiếp ảnh.

Năm 1949 Ông được kết nạp vào Đảng Cộng Sản và đến năm 1953 Ông được xem là một nhiếp ảnh gia phục vụ chính trị của Đảng Cộng Sản tại khu vực Sài Gon - Chợ Lớn.

Năm 1954 Ông dẫn đầu phái đoàn nhiếp ảnh gia từ miền Nam ra miền Bắc. Năm 1956 ông giữ trọng trách Phó Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) và được vinh dự tháp tùng Hồ Chí Minh lần đầu tiên ghé thăm Ấn Độ năm 1958.

Để đáp ứng nhiều hơn những nhu cầu cần thiết của cơ quan Thông tấn xã Ông đã dẫn đầu một nhóm những nhiếp ảnh chuyên nghiệp sang Đức để học hỏi công nghệ làm nên ảnh màu và năm 1961 Ông đã mở một Studio Ảnh màu đầu tiên tại Hà Nội.

Năm 1965, chiến tranh Mỹ ngày càng leo thang, người đàn ông 50 năm tuổi với một nụ cười lạc quan và dịu dàng lại một lần nữa cùng chiếc ba lô đầy đạo cụ trên lưng đã xuyên qua dãy Trường Sơn tới vùng biên giới Tây Ninh - Campuchia. Nhiệm vụ quan trọng của Ông là bắt lấy những khoảng khắc của chiến tranh và xây dựng một đội ngũ phóng viên chiến trường cho Thông Tấn Xã Giải Phóng. Đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn trong hoàn cảnh thiếu thốn vế thiết bị cũng như cơ sở vật chất. Nhưng với bản lĩnh của một chí sỹ yêu nước, yêu nghề Ông đã thiết lập được những phòng tối di động, để có thể nhanh chóng mang đến cho thế giới, đặc biệt là mang đến cho đồng bào của mình những hình ảnh anh hùng cũng như bi kịch của chiến trang mang đến.

Năm 1967 Bùi Đình Túy, hy sinh tại Trảng Dầu, tỉnh Bình Long, Đông Nam Bộ trong một cuộc đánh bom của không quân Mỹ.

Ông đã để lại những tấm ảnh lịch sử mà tiêu biểu là ảnh quân ta đánh chiếm xe bọc thép của quân Pháp trong chiến dịch Sài Gòn đầu năm 1950; ảnh máy bay quân Pháp bị quân ta đánh rơi ngay trên đường Lý Văn Mạnh - Chợ Lớn, tháng 3/1950; ảnh Bác Hồ gắn Huân chương Sao Vàng cho Bác Tôn, ngày 19/8/1958, nhân dịp Bác Tôn tròn 70 tuổi. Và tấm ảnh Bác Hồ chụp chung với một số nhà báo, trong đó có nhà báo Đinh Thúy.

Để ghi nhận công lao của nhà báo liệt sỹ Đinh Thúy, TP HCM đã đặt một tên đường phố và một cây cầu ở quận Bình Thạnh mang tên Bùi Đình Túy.

BÙI HUY BÍCH

Bùi Huy Bích (1744-1818), tự là Hy Thương, hiệu là Tồn Am và Tồn Ông, là một danh nhân, danh sĩ người Hà Nội, từng giữ chức Tham tụng (tương đương chức thủ tướng) trong triều đình dưới thời vua Lê-chúa Trịnh.

Tuổi thơ

Ông sinh ngày 28 tháng 8 năm Giáp Tý (1744), quê làng Định Công, Hà Nội. Ông là cháu 5 đời của Tiên Quận công Bùi Bỉnh Uyên, cháu 7 đời của Quảng Quận công Bùi Xương Trạch. Cha ông là Bùi Dụng Tân, hiệu Trúc Viên cư sĩ, dạy học ở nhà.

Bùi Huy Bích có 1 chị và 1 em trai. Năm ông lên 5 tuổi, mẹ ông mất, cha ông mang 3 chị em lên Hải Dương, ở làng An Lâu, huyện Thanh Miện. Trúc Viên dạy học tại đó.

Thuở nhỏ Tồn Am thể chất kém, thường đau ốm luôn, bề ngoài có vẻ "lỗ độn" nhưng trong lại có khiếu thông minh. Không những Bùi Huy Bích chóng học thuộc sách mà ngay cả với cuộc sống cũng tỏ ra am hiểu[1].

Khoa cử

Thuở nhỏ ông học ở nhà, 17 tuổi theo học Nguyễn Bá Trữ. Năm 19 tuổi (1762), đi thi đỗ ngay hương cống nhưng trượt thi hội vào năm sau (1763). Ông về học tiếp bảng nhãn Lê Quý Đôn mở tại kinh thành, nhưng bất mãn trước cảnh xã hội nên không theo tiếp con đường tiến sỹ.

Để chiều lòng cha, mãi năm ông 25 tuổi (1770) ông đi thi và đỗ thi hội rồi đỗ thi đình, đỗ hoàng giáp - hạng tiến sĩ thứ tư sau trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa.

Làm quan

Thi đỗ hoàng giáp, ông được trao giữ chức Hàn lâm viên hiệu lý, lên chức Thị Chế (năm 1771), rồi được thụ chức Thiêm sai phủ liêu Tri hộ phiên, kiêm chức Đông các Hiệu thư.

Năm 1777, ông vào lĩnh chức Đốc đồng Nghệ An rồi lại phụng sai vào Thuận Hóa tuyên dụ. Trong thời gian này ông đã có công bình loạn giặc Mường Thai ở miền tây Nghệ An.

Sau công trạng đó, năm 1780 ông được thăng lên Hiệp trấn Nghệ An kiêm thụ lĩnh chức tham chính. Đến năm Tân Sửu (1781), ông được chúa Trịnh Sâm triệu về triều, trao cho chức Nhập thị Bồi tụng, chức đứng hàng thứ 2 trong phủ chúa sau chức Bồi tụng, nhưng ông đệ khải văn xin từ chức, lấy cớ là ốm yếu, dù khi đó mới 38 tuổi và có quan hệ họ hàng với Trịnh Sâm, nhưng bản thân ông không muốn gần gũi với Trịnh Sâm[2].

Ông là người đã đứng ra can gián Trịnh Sâm khi chúa định bỏ con trưởng Trịnh Tông để lập con nhỏ Trịnh Cán của Tuyên phi Đặng Thị Huệ được sủng ái, nhưng không thành. Chính vì Trịnh Sâm lập con nhỏ nên đã xảy ra loạn trong triều sau khi chúa qua đời.

Trịnh Tông lật đổ Trịnh Cán lên ngôi, cách chức Tham tụng của Phan Lê Phiên (vì Phiên cùng phe với mẹ con Trịnh Cán) và mời Bùi Huy Bích ra làm Hành Tham tụng[3], hy vọng ông có thể cứu vãn tình thế do loạn kiêu binh gây ra. Sau xảy ra nhiều chuyện, lại do ngờ vực, ông từ quan về dưỡng bệnh tại phường Bích Câu, Hà Nội, gần đền Tú Uyên[4].

Năm 1786, quân Tây Sơn lấy danh nghĩa "Phù Lê diệt Trịnh" kéo ra bắc, Trịnh Tông điều ông ra mặt trận làm chức đốc chiến. Ông định đến đò Thuý Ái để phối hợp với Hoàng Phùng Cơ chỉ huy thuỷ quân, nhưng chưa đến nơi thì quân Phùng Cơ đã tan vỡ, quân Tây Sơn thần tốc tiến vào Thăng Long.

Tây Sơn diệt Trịnh không lâu thì Lê Hiển Tông mất, cháu là Lê Chiêu Thống lên thay, Nguyễn Huệ rút quân về nam. Chiêu Thống mời Bùi Huy Bích ra giúp nhưng ông xin từ về quê nhà.

Khi Nguyễn Huệ lên ngôi vua và đánh tan quân Thanh (1789) có mời các danh thần nhà Hậu Lê ra giúp nước nhưng ông không hợp tác. Đến đời Nguyễn Ánh, ông được trọng đãi nhưng ông vẫn xin được sống an nhàn ở quê cho đến khi mất năm 1818[5], thọ 75 tuổi.