Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009

ĐÀO DUY TỪ

Đào Duy Từ ( 1572-1634) là nhà quân sự và văn hóa, danh thần thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, người có công giúp chúa Nguyễn giữ vững cơ nghiệp ở Đàng Trong.

Thời trẻ

Đào Duy Từ, hiệu là Lộc Khê, quê ở xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa, Đại Việt[1]. Cha ông tên là Đào Tả Hán, một xướng hát chuyên nghiệp, mất năm Duy Từ lên 5 tuổi, ông được mẹ là bà Vũ Kim Chi nuôi ăn học[1]. Duy Từ tỏ ra là người thông minh sáng dạ, năm 14 tuổi ông vào học trường của Hương cống Nguyễn Đức Khoa. Nhưng Duy Từ không được thi Hương vì luật lệ của nhà Lê bấy giờ cấm con kép hát đi thi vì tục bấy giờ cho rằng xướng ca vô loài, mẹ Duy Từ phải nhờ một viên xã trưởng là Lưu Minh Phương khai đổi họ cho ông từ Đào Duy Từ thành Vũ Duy Từ theo họ mẹ. Viên xã trưởng nhân thế, ép mẹ Duy Từ phải cưới mình mới giúp, mẹ Duy Từ bàn lẩn đi bằng cách bảo khi nào Duy Từ thi đậu mới tiến hành cưới xin[1]. Khoa thi Hương năm Quý Tị (1593), Duy Từ thi đậu Á Nguyên; viên xã trưởng Lưu Minh Phương bèn đòi cưới bà Kim Chi nhưng bà viện lý do Duy Từ mới thi đậu mà mẹ đã tái giá thì xấu hổ mà từ chối, rồi bảo rằng Minh Phương hãy cho con gái lớn về lấy Duy Từ thay thế[1]. Giận dữ, Đỗ Minh Phương nộp đơn kiện bà Kim Chi làm lộ việc đổi họ của Duy Từ, viên quan huyện thụ đơn sau đi báo lại cho quan Hiến Sát[2].

Lúc bấy giờ, Duy Từ đang ở Hội văn trên Thăng Long dự thi. Khi quan thái phó Nguyễn Hữu Liêu đang phân vân chấm Duy Từ vì một số bài bàn về cải cách chính trị có hơi trái ý chúa Trịnh Tùng thì bộ Lễ truyền lệnh xóa tên Vũ Duy Từ, đánh tuột Á Nguyên, lột mũ áo[2]. Nghe tin này, bà Kim Chi cắt cổ tự vẫn[2]. Duy Từ vừa hỏng thi vừa mất mẹ nên đau buồn lâm bệnh nặng, nằm lại tại nhà trọ[3].

Gặp Nguyễn Hoàng

Đoan quận công Nguyễn Hoàng bấy giờ đang trấn Thuận Hóa, theo lệnh của vua Lê Thế Tông và chúa Trịnh Tùng về thuận hóa họp bàn việc[3]. Nhân dịp, Nguyễn Hoàng đến thăm Nguyễn Hữu Liêu; ông Nguyễn Hữu Liêu bèn kể trường hợp của Duy Từ và lấy bài vở của Duy Từ ra cho Nguyễn Hoàng xem[3]. Đọc bài của Duy Từ, Nguyễn Hòang biết đây là nhân tài có thể thu dụng cho việc ở Nam phương của mình nên âm thầm đến nhà trọ giúp đỡ tài chính chạy chữa của Duy Từ rồi mời ông vào Nam giúp mình

Vào Nam

Khi mới vào Nam, ông đi tìm chúa Nguyễn nhưng đến nơi thì không gặp do chúa đã đi xa để kinh lý. Hết tiền tiêu, Duy Từ phải tìm đường khác: ông dó được là Khám lý Trần Đức Hòa vốn là một thân tín của chúa Nguyễn nên đi đến Quy Nhơn để kiếm cơ lập thân[5]. Ông đi đến thôn Tùng Châu (nay thuộc thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) để ở chăn trâu cho nhà phú hộ Chúc Trịnh Long cách nhà Trần Đức Hòa một con sông nhỏ. Tâm ý của Duy Từ là ẩn mình, chờ đợi thờ cơ đồng thời dò xét chính sự Đàng Trong. Con trai của vị phú hộ, tên là Chúc Hữu Minh, mở Tùng Châu thi xã, lấy Duy Từ làm thư đồng để phục vụ các bằng hữu văn chương[5]. Có lần khi Duy Từ đánh trâu về, cầm roi đối đáp văn sử xưa nay với các danh sĩ, chứng tỏ mình thông hiểu mọi điều[6]. Phú hộ Chúc Trịnh Long bèn kể chuyện này cho Trần Đức Hòa; ông Trần Đức Hòa bèn tìm tới hỏi chuyện Duy Từ. Thấy Duy Từ có tài học rộng, ông mời về dạy học rồi gả con gái cho[6]. Thời gian này, Duy Từ thường ngâm bài "Ngọa Long cương vãn" bằng quốc âm để tự sánh mình với Gia Cát Lượng khi xưa.

Làm quan chúa Nguyễn

Năm 1627, nghe tin chúa Nguyễn thắng chúa Trịnh ở Nhật Lệ, Trần Đức Hòa vào chúc mừng rồi nhân đó dâng chúa Nguyễn bài Ngọa Long cương vãn. Chúa xem xong thấy lạ bèn cho mời Duy Từ đến. Khi Trần Đức Hòa dẫn Duy Từ đến, thấy chúa Nguyễn Phúc Nguyên chỉ mặc áo trắng sơ sài và đứng cửa hông đợi; Duy Từ bèn đứng lại và đòi về[6][7]. Thấy vậy, chúa liền vào thay đổi triều phục, áo mũ chỉnh tề rồi mở cửa lớn ra đón Duy Từ mới vào[8]. Chúa cho mời Đức Hòa và Duy Từ ngồi rồi hỏi Duy Từ chuyện chính sự. Duy Từ bày cho chúa các điều về chính sự gồm:

Đối phó với chúa Trịnh
Đối phó với Chiêm Thành
Khai hoang phía Nam
Chỉnh đốn nội bộ
Xây dựng quân đội
Và việc Bắc Tiến cự Trịnh về sau.

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên nghe lời Duy Từ xong, tỏ ra mến phục cao luận, cho mở tiệc chiêu đãi. Sau đó chúa họp bàn đình thần phong cho Duy Từ làm Nha úy Nội Tán, tước Lộc Khuê Hầu, coi việc quân cơ và Tham lí quốc chính.

Ta không nhận sắc

Năm 1629, chúa Trịnh Tráng muốn lấn vào Nam bèn sai Nguyễn Khắc Minh đi mang tiếng là phong tước cho chúa Nguyễn nhưng đồng thời cũng để dò xét, Đào Duy Từ khi này là Tham Tán bèn khuyên chúa Nguyễn che giấu lực lượng và tạm nhận phong để hòa hoãn với chúa Trịnh[10]. Chúa Trịnh cũng đồng thời đòi chúa Nguyễn cho con ra Bắc chầu, nộp 30 voi đực và 30 chiến thuyền để đi cống nhà Minh bên Trung Quốc, Duy Từ khuyên là không thực hiện rồi bày kế cho chúa Nguyễn đắp lũy Trường Dục để phòng thủ. Chúa Nguyễn nghe theo và thực hiện ngay.

Về sắc phong, vào năm 1630 Duy Từ cho người làm một mâm đồng hai đáy bên trong đựng sắc của chúa Trịnh, trên phủ lụa vàng rồi sai Trần Văn Khuông đi sứ[12]. Trần Văn Khuông theo lời Duy Từ dặn dò, đối đáp, dâng mâm cho chúa Trịnh, rồi kiếm cơ trốn về. Chúa Trịnh thấy sứ đoàn đi vội sinh nghi, bèn cho lục mâm đồng thì thấy tờ sắc trước kèm bài thơ:

Mâu nhi vô địch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch!
Cả triều không ai hiểu. Giai thoại kể rằng[a] chúa Trịnh cho mời Phùng Khắc Khoan đến thì mới giải được ý nghĩa ẩn trong bài thơ là câu "dư bất thụ sắc" (ta không nhận sắc) của Duy Từ[14]. Chúa Trịnh hiểu ý trả sắc phong, nổi giận cho người đuổi theo sứ đoàn chúa Nguyễn thì cả sứ đoàn đã đi hết[15].

Ở Nam, để tăng cường phòng thủ, Duy Từ bèn bày cho chúa Nguyễn đánh chiếm phía nam Sông Gianh rồi đắp Lũy Thầy để phòng thủ[16]. Lũy Thầy và Lũy Trường Dục là hai chiến lũy quan trọng, giúp chúa Nguyễn có thể phòng thủ hiệu quả trước chúa Trịnh.

Ngoài giúp chúa Nguyễn đối phó chúa Trịnh. Duy Từ còn nhiều lần khuyên khéo được chúa Nguyễn việc chính sự, ngoài ra còn tiến cử con rể của mình là Nguyễn Hữu Tiến cho chúa Nguyễn[8]. Nguyễn Hữu Tiến về sau cũng trở thành một công thần của chúa Nguyễn như cha vợ mình.

Qua đời

Năm 1633, Đào Duy Từ lâm bệnh nặng. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đích thân đến thăm viếng. Duy từ khóc rồi thưa: "Thần gặp được thánh minh, chưa báo đáp được mảy may, nay bệnh đến thế này còn biết nói chi nữa" rồi Đào Duy Từ qua đời, thọ 63 tuổi[18], phụ chính cho chúa Nguyễn được 8 năm[19]. Chúa Nguyễn vô cùng thương tiếc, cho táng tại Tùng Châu và phong làm "Hiệp đồng mưu đức công thần, đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu"[18]. Đến năm thứ 5 đời vua Gia Long thì tùng tự ở Thái Miếu, đến thời vua Minh Mạng truy phong là Hoằng quốc công[18]. Năm 1836, cho sửa sang mộ phần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét