Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009
BÙI HỮU NGHĨA
Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), tên cũ là Bùi Quang Nghĩa, hiệu Nghi Chi, là quan nhà Nguyễn và là nhà thơ Việt Nam.
Tiểu sử
Đi học
Bùi Hữu Nghĩa, sinh tại làng Long Tuyền, phủ Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh (nay là TP Cần Thơ). Cha ông tên Bùi Hữu Vị, làm nghề thuyền chài. Vì nhà quá nghèo nên mặc dù Bùi Hữu Nghĩa thông minh, chăm chỉ, ông chỉ theo học chữ Hán được mấy năm. Sau nhờ một nhà giàu cùng xóm họ Ngô, vì mến tài, giúp cho ông lên Biên Hòa theo học với thầy Đỗ Hoành.
Năm 1835 ông đậu thủ khoa trong kỳ thi hương ở Gia Định, vì thế ông được gọi là Thủ khoa Nghĩa.
Làm quan
Sau khi đỗ kỳ thi hương, Bùi Hữu Nghĩa ra Huế dự thi Hội nhưng trượt. Tuy vậy, ông vẫn được triều đình cho tập sự ở Bộ Lễ, rồi bổ làm tri phủ Phước Long (Biên Hòa).
Nhưng với bản tính liêm chính, Bùi Hữu Nghĩa không được quan trên ưa, nên ông bị giáng làm tri huyện Trà Vang (tức Trà Vinh, thuộc tỉnh Vĩnh Long), dưới quyền của tổng đốc Trương Văn Uyển và bố chánh Truyện.
Ở nơi mới, Bùi Hữu Nghĩa cũng không được quan trên ưa, vì có lần ông cho đánh đòn em vợ bố chính Truyện, bởi thói xấc láo. Nhưng Bùi Hữu Nghĩa bị họ ghép tội chết, lại là lần ông bênh vực cho người dân Khmer được tiếp tục khai thác nguồn lợi thủy sản ở kênh Láng Thé, nơi ông đang cai quản.
Vụ án Láng Thé
Nguyên Trà Vang là một địa bàn cộng cư của các tộc người Kinh, Hoa, Khmer, nhưng đông nhất là tộc người Khmer.
Nguyên trước kia, vào năm 1783, khi chúa Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, phải về đây trú ẩn, không những chúa được người Khmer chia sẻ lương thực mà còn tình nguyện theo phò giúp. Do vậy, khi lên ngôi, vua Gia Long (tức Nguyễn Phúc Ánh) đã xuống chiếu miễn thuế vĩnh viễn cho tất cả người Khmer đến khai thác nguồn lợi thủy sản ở rạch Láng Thé, huyện Trà Vang.
Thấy nguồn lợi lớn, một số địa chủ người Hoa đem tiền lo lót tổng đốc Uyển và bố chánh Truyện để giành quyền khai thác cá tôm ở rạch Láng Thé.
Bị bức ép, tháng 10 năm Mậu Thân 1848, một số người Khmer do ông Nhêsrok, trưởng Sóc, cầm đầu kéo đến gặp tri huyện Bùi Hữu Nghĩa để khiếu kiện. Biết được hành động tham gian của quan trên và hành động ỷ quyền của nhóm người Hoa, ông phán xử:
"Việc tha thuế thủy lợi là ơn huệ của vua Thế Tổ ban cho dân Thổ, nay ai nhỏ hơn vua Thế Tổ mà dám đứng bán rạch ấy, thì có chém đầu nó cũng không sao!".
Nghe vậy, những người dân Khmer kéo nhau đến nhà những người Hoa tranh cãi, dẫn đến xô xát, làm phía người Hoa chết 8 người.
Nhân cơ hội này, tổng đốc Uyển và bố chánh Truyện cho bắt những người Khmer gây án, đồng thời bắt luôn Bùi Hữu Nghĩa, tạm giam ở Vĩnh Long rồi giải về Gia Định, đệ sớ lên triều đình tố cáo ông đã kích động dân Khmer làm loạn và lạm phép giết người. Nhận được tin dữ, vợ ông là Nguyễn Thị Tồn, đã quá giang ghe bầu, vượt sóng gió ra Huế.
Bấy giờ, Phan Thanh Giản đang làm Thượng thư bộ Lại, Nguyễn Thị Tồn tìm đến tư dinh ông Phan trình bày hết mọi việc, rồi nghe theo lời khuyên, bà đến Tam pháp ty gióng trống “kích cổ đăng văn” (đánh trống, đội đơn) kêu oan cho chồng.
Sau sự kiện chấn động này, Bùi Hữu Nghĩa được vua Tự Đức tha tội chết, song phải chịu “quân tiền hiệu lực”, tức bị đày làm lính ở đồn Vĩnh Thông (thuộc Châu Đốc), đoái công chuộc tội.
Từ quan
Khi thực dân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, Bùi Hữu Nghĩa xin từ chức, về quê dạy học. Nhà ông là nơi các sĩ phu yêu nước gặp gỡ, bàn bạc việc chống Pháp cứu nước.
Ông lâm bệnh và mất ngày 21 tháng 01 năm Nhâm Thân (1872).
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét