Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009

MẠC THIÊN TÍCH

Mạc Thiên Tứ tự là Sĩ Lân , còn gọi là Mạc Thiên Tích, là danh thần, danh sĩ đời chúa Nguyễn. Ông sinh năm Mậu Tuất (1718) và mất năm Canh Tý (1780). Ông là con Tổng binh Mạc Cửu - người được chúa Nguyễn phong là Tông Đức Hầu.

Khi phụ thân ông qua đời (1735), lúc ấy ông đã 29 tuổi, ông nối nghiệp cha mở mang đất Hà Tiên, được chúa Nguyễn phong chức Tổng binh Đại Đô đốc. Ông tiếp tục sự nghiệp khai khẩn miền Tây Nam bộ, biến vùng đất Hà Tiên trở thành đất văn hiến, phồn vinh, nhiều lần chống trả lại các cuộc xâm lấn của các lân bang Xiêm La và Chân Lạp.

Tranh chấp với Xiêm La

Năm 1767, quân Miến tiến chiếm Xiêm La bắt được vua Xiêm là Phong vương (Boromoraja V) và con là Chiêu Đốc, thiêu hủy thành Ayutthaya, nhưng sau đó phải rút về vì Miến Điện bị Trung Hoa tấn công. Hai người con của Phong vương là Chiêu Xỉ Khang chạy thoát sang Chân Lạp và Chiêu Thúy sang Hà Tiên lánh nạn. Một tướng Xiêm là Trình Quốc Anh, người Hoa gốc Triều Châu, là Phi Nhã (xã trưởng) đất Mang Tát thuộc Xiêm La, khởi binh chống lại quân Miến rồi tự xưng vương năm 1768. Trình Quốc Anh (Taksin) tổ chức lại lực lượng, chiêu mộ rất nhiều hải tặc gốc Hoa đang hoạt động trong Vịnh Thái Lan để tăng cường lực lượng. Trình Quốc Anh muốn triệt hạ uy lực của gia đình Mạc Thiên Tứ tại Hà Tiên vì đó là một đe dọa và là địch thủ lợi hại cho uy quyền của ông trong vịnh Thái Lan.

Năm 1768 lấy cớ truy lùng một hoàng tử Xiêm, Trình Quốc Anh mang quân tiến chiếm Hòn Đất, bắt giam và tra tấn nhiều giáo sĩ Công giáo để tìm nơi trú ẩn của Chiêu Thúy, đồng thời sai tướng Chất Tri (sau này là vua Rama Chakri tức là Rama I của Thái Lan) mang quân bảo hộ Chân Lạp và đưa Nặc Ông Nộn (Ang Non II) lên làm vua. Nặc Tôn (Outey II) [2] chạy về Gia Định lánh nạn. Quân của Trình Quốc Anh đã ở lại Hòn Đất ba tháng để truy lùng vị hoàng tử Xiêm lưu vong nhưng không tìm ra. Trước khi rút về nước, Trình Quốc Anh cho thành lập trên đảo một căn cứ hải quân và để lại một toán cướp biển nghe ngóng tình hình, tìm cơ hội đánh chiếm Phú Quốc và Hà Tiên.

Năm 1765 giáo sĩ Bá Đa Lộc (Béhaine de Pigneau) đã thành lập tại Hòn Đất một chủng viện nhỏ với khoảng 40 giáo dân Việt, Xiêm và Hoa sống trong mấy ngôi nhà bằng tre. Năm 1767, Bá Đa Lộc cho vị hoàng tử Xiêm trú ẩn trong chủng viện.

Năm 1769, quân Khmer dưới sự chỉ đạo của một cướp biển người Triều Châu tên Trần Liên đổ bộ lên cướp phá Hòn Đất, rồi kết hợp với hai gia nhân của Mạc Thiên Tứ (Mạc Sung và Mạc Khoán), tiến đánh Hà Tiên. Hai gia nhân làm phản và một số lớn cướp biển Khmer bị Thiên Tứ giết chết, Trần Liên thoát được chạy sang Xiêm La tị nạn. Lợi dụng cơ hội này Mạc Thiên Tứ chuẩn bị đưa hoàng tử Chiêu Thúy về Xiêm La đoạt lại ngôi báu. Ông cho luyện tập binh mã rồi mang quân ra chiếm lại Hòn Đất (1770) và chuẩn bị tiến công Xiêm La.

Công việc đang tiến hành thì vào đầu năm 1771, một cận thần của Mạc Thiên Tứ tên Phạm Lam nổi lên làm phản. Phạm Lam kết hợp với hai cướp biển Trần Thái (Vinhly Malu, người Mã Lai) và Hoắc Nhiên (Hoc Nha Ku, người Khmer) lập đảng gồm 800 người và 15 tàu thuyền tiến vào Hà Tiên nhưng bị Mạc Thiên Tứ đánh bại.

Giữa năm 1771, nhận thấy những đám cướp biển không đánh lại Mạc Thiên Tứ, Trình Quốc Anh dùng Trần Liêm làm hướng đạo, đích thân chỉ huy đạo quân 20.000 người tiến chiếm Hà Tiên. Trình Quốc Anh thiêu rụi thành phố, chiếm tất cả các đảo lớn nhỏ quanh Hà Tiên, mang về rất nhiều vàng bạc. Con cháu, hầu thiếp và người con gái út của Mạc Thiên Tứ bị Trình Quốc Anh bắt sống đem về Bangkok. Mạc Thiên Tứ cùng các con trai phải rút về Rạch Giá, cho người về Gia Định cầu cứu chúa Nguyễn.

Năm 1772, chúa Nguyễn mang 10.000 quân cùng 300 chiến thuyền sang Chân Lạp đánh quân Xiêm và đưa Nặc Ông Tôn lên ngôi. Trình Quốc Anh làm áp lực tại Hà Tiên buộc quân Việt phải dừng chân tại Nam Vang không được tiến xa hơn. Sau cùng hai bên đi đến một thỏa thuận: chúa Nguyễn rút quân khỏi Chân Lạp và chấp nhận để Nặc Ông Nôn (Ang Non II), người được vua Xiêm chỉ định, lên ngôi vua, còn quân Xiêm rút khỏi Hà Tiên. Năm 1773 Trình Quốc Anh rút quân khỏi Hà Tiên, Phú Quốc và Hòn Đất, trả lại người con gái bị bắt làm tù binh cho Mạc Thiên Tứ, nhưng buộc Mạc Thiên Tứ phải giao hoàng tử Chiêu Thúy cho quân Xiêm. Chiêu Thúy bị Trình Quốc Anh mang về Bangkok hành quyết.

Năm 1774, Giám mục Bá Đa Lộc trở về Hòn Đất thành lập họ đạo, năm sau ông được Mặc Thiên Tứ tiếp đãi trọng hậu và cho phép đi giảng đạo khắp Hà Tiên.

Lưu vong và mất tại Xiêm La

Vào khoảng năm 1776, khi quân Tây Sơn đánh vào Gia Định, truy kích tàn quân chúa Nguyễn, Mạc Thiên Tích cùng Tôn Thất Xuân chạy sang Xiêm. Nhưng tháng 4 năm 1780, vua Xiêm là Taksin (Trịnh Quốc Anh) nghi ngờ ông làm gián điệp cho Gia Định, bắt giết các con lớn của ông là Mạc Tử Hoàng, Mạc Tử Dung cùng các phó tướng Tôn Thất Xuân, Tham, Tịnh và 50 người tùy tùng, chỉ để lại con nhỏ là Mạc Tử Sanh và một cháu nhỏ bắt phải đi đày.[3].Quá phẫn uất, ông tự tử[4] tại Băng Cốc. Về sau Mạc Tử Sanh được thả, trở về Gia Định phò giúp Nguyễn Ánh, được phong chức Tham tướng trấn thủ vùng Trấn Giang, có tiếng là tướng giỏi dù mới chỉ 19 tuổi, nhưng mất sớm.

Công lao

Mở cõi

Năm 1739, quốc vương Chân Lạp Nặc Bồn (hay Nặc Bôn) mang tới đánh Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ điều động binh sĩ chiến đấu suốt ngày đêm. Vợ chánh Mạc Thiên Tứ là Nguyễn Thị Hiếu Túc đốc sức vợ binh lính chuyển khí cụ và lương thực cho binh sĩ...Quân xâm lấn tan, họ Mạc được chúa Nguyễn khen ngợi, đặc cách cử ông làm Đô đốc tướng quân và ban cho áo bào đỏ cùng mũ, đai. Bà vợ ông cũng được phong làm phu nhân (Hiếu Túc Thái Phu Nhân).

Năm 1747, giặc biển Đức Bụng vào cướp phá vùng ven biển đạo Long Xuyên cũng bị đội quân của Mạc Thiên Tứ đánh đuổi.

Năm 1756, quốc vương Chân Lạp là Nặc Nguyên uy hiếp người Côn Man (người Chiêm Thành di cư sang Chân Lạp), nhưng bị tướng Nguyễn Cư Trinh đánh bại, phải chạy sang Hà Tiên nương nhờ họ Mạc. Mạc Thiên Tứ dâng thư lên chúa Nguyễn, nói Nặc Nguyên có ý muốn dâng đất Tầm Bôn, Lôi Lạp để chuộc tội. Chúa Nguyễn đồng ý và cho người hộ tống Nặc Nguyên về nước. Hai vùng đất đó trở thành hai phủ Gò Công và Tân An.

Năm 1757, Nặc Nguyên mất, chú họ là Nặc Nhuận làm giám quốc, từ lâu có ý muốn làm vua Chân Lạp, liền dâng hai xứ Preah Trapeang và Basac (tức vùng Trà Vinh, Ba Thắc). Nhưng lúc đó, Nặc Nhuận bị con rể giết chết cướp ngôi. Con trai là Nặc Tôn chạy sang cầu cứu Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ đứng ra sắp xếp, xin chúa Nguyễn cho Nặc Tôn làm vua Chân Lạp. Chúa Nguyễn thuận và sai Mạc Thiên Tứ cùng tướng sĩ năm dinh hộ tống đưa Nặc Tôn về nước. Để tạ ơn, Nặc Tôn dâng Tầm Phong Long (vùng đất giữa Sông Tiền và Sông Hậu) cho chúa Nguyễn. Riêng họ Mạc, Nặc Tôn dâng năm phủ Hương Úc, Cần Bột, Trực Sâm, Sài Mạt và Lình Quỳnh để đền ơn giúp đỡ. Mạc Thiên Tứ đem hết đất ấy dâng cho Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn cho sảt nhập vào Hà Tiên trấn, giao cho họ Mạc cai quản. Mạc Thiên Tứ chia đất đó thành hai đạo: xứ Rạch Giá là Kiên Giang đạo, xứ Cà Mau là Long Xuyên đạo, đặt quan cai trị, chiêu lập dân ấp.

Ngoài ra, từ 1775 đến 1777, Mạc Thiên Tứ đã cùng các con là Mạc Tử Dung, Mạc Tử Hoàng, Mạc Tử Thảng (hoặc Thượng) phò tá chúa Nguyễn Phúc Thuần, đóng giữ ở Trấn Giang (nay là Cần Thơ) và dốc sức phát triển vùng đất này.

Phát triển kinh tế

Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên ghi:

Bính Thìn năm thứ 11 (1736). Mùa xuân chúa cho Thiên Tứ làm Hà Tiên trấn Đô đốc, ban cho ba thuyền Long Bài, được miễn thuế, lại sai mở lò đúc tiền để việc mua bán được thông thương. Thiên Tứ mở rộng phố chợ, thương nhân và lữ khách các nước tụ họp rất đông.
Dẫn lại đoạn sử trên, tác giả Nghiên cứu Hà Tiên khen: Ngay khi lãnh nhiệm vụ, Thiên Tứ đã vực dậy nền kinh tế, tạo dựng Hà Tiên thành một cảng khẩu trù phú, sung túc. Điều đó cho thấy năng lực của người lãnh đạo Hà Tiên (ý nói Thiên Tứ) thời đó quả không nhỏ.

Đóng góp cho văn học

Cùng với Trần Trí Khải tự Hoài Thủy, một danh sĩ người Việt Đông (Trung Quốc), Mạc Thiên Tứ đã tổ chức thành công Tao đàn Chiêu Anh Các vào năm 1736 ở Hà Tiên. Kể từ đó cho tới năm 1771, tao đàn trên đã đóng góp cho nền văn học Việt nhiều tác phẩm có giá trị, như: 'Hà Tiên thập cảnh, Thụ Đức Hiên tứ cảnh, Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh, Minh bột di ngư..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét