Lê Văn Hưu (1230-1322) là nhà sử học đời nhà Trần, tác giả bộ Đại Việt sử ký, bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Bộ sách này không còn nhưng nhờ nó mà sử gia Ngô Sĩ Liên đã dựa vào để soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư.
Lê Văn Hưu người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.[1]
Một giai thoại về Lê Văn Hưu thuở bé:
Một hôm đi ngang qua lò rèn, thấy người ta đang làm những cái dùi sắt, Lê Văn Hưu muốn xin một cái để làm dùi đóng sách. Người thợ rèn thấy thấy vậy, bèn ra một vế đối:
- Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi vở.
Lê Văn Hưu liền đối:
- Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi mà đậu khôi nguyên.
Năm Đinh Mùi 1247, Lê Văn Hưu đi thi, đỗ Bảng nhãn. Đây là khoa thi đầu tiên ở Việt Nam có đặt danh hiệu tam khôi. Nguyễn Hiền 12 tuổi đỗ trạng nguyên. Đặng Ma La 14 tuổi đỗ thám hoa. Lê Văn Hưu 17 tuổi đỗ bảng nhãn.
Sau khi thi đỗ, ông được giữ chức Kiểm pháp quan, rồi Binh bộ Thượng thư, sau đó Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử Viện giám tu. Ông cũng là thầy học của thượng tướng Trần Quang Khải.
Trong thời gian làm việc ở Quốc sử Viện, theo lệnh vua Trần Thái Tông, Lê Văn Hưu đã hoàn thành việc biên soạn Đại Việt sử ký - bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam - ghi lại những sự việc quan trọng chủ yếu trong một thời gian lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ Triệu Vũ đế - tức Triệu Đà - cho tới Lý Chiêu Hoàng. Đại Việt sử ký tất cả gồm 30 quyển, hoàn thành năm 1272 và được Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen.
Đến nay bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu không còn, nhưng những lời nhận xét của ông vẫn được ghi lại trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, gồm 29 đoạn ghi rõ: "Lê Văn Hưu viết...". Trong bài tựa Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư, Ngô Sĩ Liên viết: "Văn Hưu là người chép sử giỏi đời Trần, Phu Tiên là bậc cổ lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử nước nhà, tìm khắp các tài liệu còn sót lại, tập hợp thành sách để cho người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa, thế là được rồi."
Lê Văn Hưu mất ngày 23 tháng ba năm Nhâm Tuất 1322, thọ 92 tuổi. Ông được an táng ở cánh đồng xứ Mả Giòm, thuộc địa phận xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay ở đó vẫn còn phần mộ với tấm bia dựng năm Tự Đức thứ 20 - 1867, khắc ghi tiểu sử và một bài minh ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông. Ở xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá,Thanh Hóa, có nhà thờ Lê Văn Hưu.
Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét