Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009

ĐÀO CAM MỘC

Theo sử sách ghi chép và các di tích còn lại thì Đào Cam Mộc quê ở làng Lang Thôn, xã Định Tiến, huyện Yên Định. Sau khi bố mất, ông theo mẹ về quê ngoại làng Nam Trịnh, xã Yên Trung cùng huyện. Từ nhỏ Đào Cam Mộc tỏ rõ thông minh, khỏe mạnh. Khi Vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) tuần du về Thanh Hóa, qua đoạn sông Mã (đoạn sông chảy qua Yên Trung, Yên Bái, nay sông Mã đã đổi dòng) thuyền bị mắc cạn. Đào Cam Mộc vừa dùng sức khỏe và mưu mẹo đưa được đoàn thuyền vượt qua bãi cạn. Từ đó ông được tin dùng và dần thăng chức Chi hậu triều vua Lê Ngọa Triều (1006-1009).

Lên ngôi vua, Lý Công Uẩn phong Đào Cam Mộc là Nghĩa tín hầu và gả trưởng công chúa An Quốc cho ông. Đào Cam Mộc làm quan triều Lý đến năm 1015 thì mất, được triều đình nhà Lý tặng Thái sư Á Vương.

Ở Thanh Hóa, có 3 nơi thờ Đào Cam Mộc đều ở huyện Yên Định. Ở làng Lang Thôn, xã Định Tiến, quê nội Đào Cam Mộc có ngôi chùa Hưng Phúc xây dựng từ thời Đinh. Vào niên hiệu Thần Vũ (1069-1072) để nhớ ơn vị khai quốc công thần này, vua Lý Thánh tông cho nâng cấp chùa Hưng Phúc và tạc tượng Đào Cam Mộc thờ ở chùa với tôn hiệu: “Bản tự Nghĩa Tín Hầu, già lam chân tể thánh chúng, chân quan Đào Công vị tiền” và khắc bia ghi công (bia này bị đập vỡ đang bỏ ở dưới giếng ở Lang Thôn). Chùa Hưng Phúc mới bị đổ nát trong chiến tranh chống Mỹ.

Ở làng Nam Trịnh, xã Yên Trung (nay là làng Nam Thạch) quê ngoại Đào Cam Mộc có nghè thờ quan Thái sư. Bức chạm ở nghè có chữ: “ Sinh vi Lý tướng, tử vi Lê thần” (sống làm tướng nhà Lý, chết làm thần nhà Lê). Nghè quan Thái sư đổ nát trong chiến tranh chống Pháp. Những năm gần đây, làng Nam Thạch đã xây được đền thờ Thái sư Á vương Đào Cam Mộc trong làng, cách nghè cũ khoảng 500 mét. Một nơi có nghè thờ Đào Cam Mộc nữa là ở làng Bùi Hạ, xã Yên Phú. Nguyên do như sau: Trước kia vào những năm lụt, nước sông Mã dâng cao, một số đồ thờ ở nghè Thái sư bị trôi về làng Bùi Hạ (cách làng Nam Thạch 3 km). Dân làng Bùi Hạ nhận được đồ thờ, qua đọc bài vị bèn gửi trả lại nghè. Trong một lần lụt lội sau đó đồ thờ ở nghè quan Thái sư lại trôi về làng Bùi Hạ. Dân làng Bùi Hạ cho là sự lạ bèn xây đền thờ gọi là Nghè Hạ. nghè Hạ ở làng Bùi Hạ đã đổ nát trong chiến tranh chống Mỹ.

Đào Cam Mộc có vợ là công chúa An Quốc và còn có một bà vợ nữa là Đỗ Thị Uyển con quan Đỗ Hương ở làng Vân Tra, xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Bà Uyển sinh 2 con trai là Đào Lôi và Đào Điện. Đào Lôi sinh năm 987 làm quan triều Lý, sau khi góp công dẹp yên loạn 3 vương được Lý Thái tông phong làm Tả phúc tâm, sau được phong Thái úy tước Thành quốc Công. Do có công đóng góp xây dựng quê ngoại - làng Vân Tra nên Thái úy, Thành Quốc Công Đào Lôi được thờ phụng ở đình. Thân mẫu Đào Lôi, được táng ở gần chùa, chùa Vân Tra, có bàn thờ thờ bà Đỗ Thị Uyển. Cụm di tích đình và chùa Vân Tra xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1994.

Hiện nay, ở quận 8, thành phố Hồ Chí Minh có con đường mang tên Đào Cam Mộc để ghi nhớ tới vị đệ nhất công thần, người có công đầu trong việc tôn phù Lý Công Uẩn lên ngôi vua, khai lập nên vương triều nhà Lý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét