Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009

LÊ QUÝ ĐÔN

Lê Quý Đôn (5 tháng 7 năm 1726 - 14 tháng 4 năm 1784) tên thật Lê Danh Phương là quan của nhà Hậu Lê đồng thời có thể coi là một nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực. Ông sinh ngày 5 tháng 7 năm Bính Ngọ, niên hiệu Bảo Thái (Lê Dụ Tông) thứ 7, quê tại làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình và mất ngày 14 tháng 4 năm Giáp Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 45.[1]

Thân thế

Lê Quý Đôn là con trai cả của ông Lê Trọng Thứ. Thân sinh của Lê Quý Đôn đậu tiến sĩ năm Bảo Thái thứ 2 (1721) và làm quan đến chức Hình bộ Thượng thư, được phong tước hầu.

Thuở nhỏ, ông có tên là Danh Phương, đến năm 1743 sau khi đỗ giải nguyên trường Sơn-Nam thì đổi thành Quý Đôn, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường.

Sự nghiệp

Khi còn bé, Lê Quý Đôn đã nổi tiếng là thần đồng. Nhiều sách chép tiểu sử của ông có ghi: năm tuổi đã đọc được nhiều bài Kinh Thi, mười tuổi đã học sử. Năm 13 tuổi (1739), theo cha lên kinh đô học, đến năm 18 tuổi, ông đậu giải nguyên kỳ thi Hương trường thi Sơn Nam. Sau đó, dự thi Hội không đỗ, ông về quê nhà dạy học và viết sách.

Năm 1752, Lê Quý Đôn được 27 tuổi, ông đỗ đầu thi Hội và khi vào thi Đình ông cũng đậu đầu Bảng Nhãn tức Tam Nguyên (Khoá này không lấy Trạng nguyên). Sau khi thi đỗ, Lê Quý Đôn được bổ nhiệm chức Thụ Thư ở Viện Hàn Lâm. Năm 1754, ông được bổ làm Hàn lâm thừa chỉ rồi sung Toản tu Quốc sử quán.

Năm 1756, ông đi liêm phóng ở trấn Sơn Nam, phát giác được 7 viên quan hối lộ. Vào tháng 5 năm 1756, ông được biệt phái sang Phủ Chúa, coi phiên binh, đến tháng 8 ông đi hiệp đồng với các đạo Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hóa. Lúc về triều ông dâng bài điều trần gồm 19 khoản nói về chức Chưởng phiên binh. Chúa Trịnh Doanh xem khen ngợi và thưởng 50 lạng bạc. Năm 1757, Lê Quý Đôn được thăng chức Thị Giảng Viện Hàn Lâm.

Tháng 6 năm Kỷ Mão niên hiệu Cảnh Hưng thứ 20 (1759) triều vua Lê Hiển Tông, thái thượng hoàng Lê Ý Tông mất. Sang tháng Giêng năm Canh Thìn (1760) triều đình cử một phái đoàn sứ bộ đi báo tang và dâng cống lễ với nhà Thanh. Lê Quý Đôn và Trịnh Xuân Chú được cử làm phó sứ.

Trong dịp này, khi sứ đoàn An Nam đi qua các phủ châu Trung Hoa đều bị họ gọi là Di Quan Di Mục, nghĩa là quan lại mọi rợ. Khi sứ đoàn đến Quế Lâm, Lê Quý Đôn viết thư cho quan tổng trấn Quảng Châu để phản đối sự kiện nầy. Với uy tín và học vấn của Lê Quý Đôn, triều đình Trung Hoa đành phải chấp nhận bỏ những danh từ miệt thị khinh khi này và gọi sứ đoàn là An Nam Cống sứ.

Năm 1762, Lê Quý Đôn về triều được thăng chức Hàn Lâm Viện Thừa Chỉ. Ông lập Bí Thư Các và dâng sớ xin thiết lập pháp chế để trị dân nhưng không được triều đình chấp thuận và bổ ông làm Tham chính Hải Dương.

Năm 1765, ông từ quan xin cáo hưu về sống nơi quê nhà, viết sách.

Năm 1767, Trịnh Doanh qua đời, Trịnh Sâm nối ngôi Chúa, Lê Quý Đôn được phục chức Thi Thư và tham gia biên soạn Quốc sử kiêm chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Năm 1770, ông được thăng chức Công Bộ Hữu Thị Lang. Mùa xuân năm 1776, ông được bổ làm Hiệp Trấn, Tham Tán Quân Cơ ở xứ Đàng Trong.

Năm 1778, ông được bổ nhiệm chức Hành Tham Tụng nhưng cố từ và xin được đổi sang võ ban. Ông được trao chức Hữu Hiệu Điểm, quyền Phủ Sự, phong tước Nghĩa Phái Hầu.

Năm 1781, ông được sung chức Quốc sử Tổng tài.

Năm 1783, ông đi hiệp trấn Nghệ An, không lâu sau thì mất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét