Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009

MAI XUÂN THƯỞNG

Mai Xuân Thưởng (1860-1887) là một người con của thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn)và đã từng đỗ cử nhân. Từ một tướng lĩnh đứng dưới cờ Cần Vương chống Pháp do Đào Doãn Địch khởi xướng, ông đã trở thành lãnh tụ phong trào và bị xử trảm tại Gò Chàm năm 1887. Sau khi ông mất, nhân dân đưa thi hài ông về mai táng tại quê nhà, rồi cải táng tại một ngọn đồi cao ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường vào năm 1962... Ông đã bị quân Pháp giết lúc mới 27 tuổi.

Theo những tư liệu lịch sử khai thác từ kho lưu trữ của Pháp mới được công bố, Mai Xuân Thưởng (một thủ lĩnh của phong trào Cần Vương ở Bình Định) đã bị bắt khi đang trên đường vào Phú Yên và bị xử trảm vào ngày 7-6.

Mai Xuân Thưởng bị bắt chứ không phải ra hàng . Tư liệu nghiên cứu về lịch sử cận hiện đại Việt Nam từ trước đến nay đều chép rằng: Mai Xuân Thưởng khi nghe tin thân mẫu bị bắt, để tránh liên lụy cho nhân dân hai làng Phú Phong và Phú Lạc, nên đã ra hàng. Công trình Nhân vật Bình Định của Đặng Quí Địch viết: “Tại đình Phú Phong tên đồ tể Lộc đã hạ độc thủ: bắt giam Mai mẫu, tra tấn dã man dân hai làng Phú Phong và Phú Lạc. Lộc bắn tin cho Mai công hãy sớm ra hàng, nếu không thì y sẽ giết Mai mẫu và làm cỏ dân hai làng... Một ngày trong tháng tư năm nhuận năm Đinh Hợi (1887), ông ra nộp mình cho giặc tại đình Phú Phong”. Quách Tấn trong Văn tế Mai Xuân Thưởng ngày 21-1-1962, cũng viết: “Tang tóc đã nhiều, lòng chẳng nỡ kéo dài thế thủ/Đành một thác cho tròn nghĩa vụ/ Trói thân nạp giặc/ Đức hy sinh nhuần thấm sơn xuyên”.Gần đây, nhiều tư liệu liên quan đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân hai tỉnh Bình Định và Phú Yên được công bố, trong đó, có cả những tư liệu được khai thác từ kho lưu trữ của Pháp. Đáng kể là nguồn tài liệu của Phủ Toàn quyền Đông Dương và những hồ sơ Tổng Trú sứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ trước khi thành lập Phủ Toàn quyền Đông Dương; hồ sơ lưu trữ ở Bộ Thuộc địa Pháp... Theo những tư liệu này, thực ra, Mai Xuân Thưởng đã bị bắt chứ không phải ra hàng.

gửi Thống đốc Nam Kỳ ngày 10-5-1887, được GS. Charlers Founiau công bố trong bài viết “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định - Phú Yên (1885-1887)” (đăng trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử), cho chúng ta biết khá tường tận về trường hợp bị bắt của Mai Xuân Thưởng: “Lúc ấy, Mai Xuân Thưởng có năm mươi người đi theo ông, trong đó có toàn bộ gia đình của ông: mẹ, vợ và những người phụ tá, kể cả em của ông. Bị vây hãm trong một làng Chàm (có thể là Vân Canh) ngày 4-4, nhưng nhóm nhỏ này đã thoát ra được. Ngày 21-4 gia đình Mai Xuân Thưởng bị bắt, nhưng ngay đêm hôm sau ông lại giải thoát được. Nhưng, đêm 31-4 rạng ngày 1-5, một trong những thủ hạ của Mai Xuân Thưởng bị bắt làm tù binh ngày 21 và được giải thoát đêm hôm sau, đã ra hàng và chỉ chỗ ở những người đang chạy trốn (ở chỗ của người Chàm và cách Phú Phong, quê quán của ông ba ngày đường). Lộc và Giảng đã bắt được Mai Xuân Thưởng ngày 4-5 khi ông đang trốn trong một cái hang núi Hòn Nhên ở làng Thang Ót, ở gần chỗ giáp giới Phú Yên và ngọn nguồn sông Côn. Ngày hôm sau, gia đình ông bị bắt. Sau ông, những thủ lãnh cuối cùng hầu như cũng bị bắt hết: Nguyễn Ngọc Loan bị bắt 14-5; Lê Khanh 20-5”.Sau này, Luận án Tiến sĩ sử học của Phan Văn Cảnh cũng cho rằng, vào ngày 21-4-1887, Trần Bá Lộc cho quân bao vây căn cứ Hầm Hô và Linh Đổng và cuối cùng, đã chiếm được căn cứ, bắt được một số nghĩa quân, trong đó có thân mẫu Mai Xuân Thưởng. Tuy nhiên, đêm 30-4-1887, Mai Xuân Thưởng đã dùng một đội quân cảm tử đột nhập doanh trại Trần Bá Lộc, giải vây cho những người bị bắt, trong đó, có bà Hoàng Thị Nguyệt (mẹ Mai Xuân Thưởng). Sau khi giải vây, Mai Xuân Thưởng cùng đoàn thuộc hạ gồm 50 người vượt núi vào Phú Yên, tiếp tục kháng chiến, nhưng khi đến đèo Phủ Quý (ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên) thì bị phục binh Trần Bá Lộc bắt.

Sau khi bắt được Mai Xuân Thưởng, chúng đem ông, gia đình và các thuộc hạ về Phú Phong, tổ chức ăn mừng chiến thắng này và phao tin Mai Xuân Thưởng ra hàng để hạ uy tín của ông trong nhân dân. Trước mặt kẻ thù ông đã khẳng khái quát vào mặt chúng: “Mang danh hiệu Bình Tây không lẽ hàng Tây? Xưa nay trung thần nghĩa sĩ chỉ có đoạn đầu tướng quân chứ không hàng đầu tướng quân”. Biết không thể khuất phục được ông, bọn chúng đã đưa ông cùng các thuộc hạ trung thành ra xử trảm tại Gò Chàm (phía đông thành Bình Định cũ). Thi hài ông được đưa về táng tại Cây Muồng (phần đất của nhà ông) thuộc thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn. Năm 1961, mộ ông được cải táng về thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường.

Mai Xuân Thưởng mất ngày nào?Tác giả Đặng Quí Địch lấy ngày giỗ của họ tộc là ngày mất của ông (15-4 âm lịch, nhằm ngày 6-6-1887). Đến nay, nhiều người vẫn tin vậy. Tuy nhiên, biểu do Tirant thiết lập ngày 11-6-1887 gửi Thống đốc Nam Kỳ (tư liệu số Aix11.929), viết: “Có ba đợt hành quyết: ngày 1-6 có 5 người, trong đó có Lê Khanh; ngày 7-6 có 12 người, trong đó có Mai Xuân Thưởng và Bùi Điền; ngày 12-6 có 9 người và ngày 13-6 có 1 người. Tổng cộng có 27 người bị hành quyết, trong đó có một vài người là thủ lĩnh lớn nhất của phong trào Bình Định - Phú Yên”.
Như vậy, nếu căn cứ vào bản báo cáo này, thì Mai Xuân Thưởng bị xử chém vào đợt thứ hai, ngày 7-6-1887, chứ không phải ngày 6-6 như ghi chép trước đây. Cho nên ngày mất của Mai Xuân Thưởng phải là ngày 7-6 chứ không phải là ngày 6-6.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét