Lê Trực, một đề đốc văn thân oai hùng
Lê Trực quê làng Thanh Thủy, phủ Quảng Trạch (nay là xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) đỗ tạo sĩ (tam giáp tiến sĩ võ), nguyên là lãnh binh Hà Nội, khi tướng giặc Ri-vi-e hạ thành, Tổng đốc Hoàng Diệu tự tử, ông bị triều đình cách chức, sau được Tôn Thất Thuyết phục chức.
Lúc ông khởi nghĩa quân, có hai người con gái đã lớn, vợ và con đều tham gia nghĩa quân, phu nhân Lê Trực phụ trách sản xuất quân vương. Khi có Chiếu Cần Vương, quan lại các tỉnh mộ quân lính đưa đến Tân Sở (Quảng Trị); Tôn Thất Nam, Án Sát Quảng Trị đưa đến 200 quân; Võ Trọng Bình, Tổng đốc hưu trí ở Hòa Luật (Lệ hủy, Quảng Bình) cũng đưa đến 200 quân; Thân hào 3 huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch cử Nguyễn Phạm Tuân làm chủ kéo cờ Cần Vương khởi nghĩa.
Lê Trực lấy vùng rừng núi Thanh Thủy làm căn cứ. Ngày 5-1-1886, Mu-tô dẫn một đội quân tiến đánh vùng Thanh Thủy. Quân giặc tiến vào rừng gặp ngay nghĩa quân, hai bên đánh nhau quyết liệt. Cuối tháng 1-1886, Mu-tô lại đem quân lên, trận này do bên giặc có dẫn đường và trang bị tốt, quân đông nên nghĩa quân bị thiệt hại nhiều. Trong số những người bị bắt có một viên tú tài, Mu-tô thả cho về và giao một bức thư gửi Lê Trực, khuyên Lê Trực ra giúp vua Đồng Khánh. Ông đáp lại thư đó và quyết không chịu ra đầu hàng.
Nghĩa quân Lê Trực ngày càng phát triển mạnh, địa bàn được xây dựng xen kẽ trong các làng công giáo, căn cứ mở rộng xuống làng Trung Thuần, có những địa danh gắn với nghĩa quân như Bãi Tập (Quảng Lưu, Quảng Trạch) là nơi quần tụ và huấn luyện quân sự của nghĩa quân. Nghĩa quân bắt liên lạc với nhau, cùng phối hợp lực lượng cả phía Nam và phía Bắc tỉnh, đánh phá các trọng điểm quan trọng của địch, nghĩa quân đã tập kích đánh phá tỉnh lỵ Đồng Hới, trụ sở đầu não của bộ máy cai trị thực dân phong kiến ở Quảng Bình, làm cho chúng hết sức bối rối, ăn không ngon, ngủ không yên.
Đêm mồng 9 rạng ngày 10-5-1886, nghĩa quân đột nhập thành Đồng Hới, đốt phá doanh trại địch, giết tên bố chánh gian ác Nguyễn Đình Dương, đường giao thông Huế - Đồng Hới bị cắt đứt, bị nghĩa quân phong tỏa hàng tháng liền. Tuyến đường Đồng Hới - Ba Đồn và đường liên huyện ở phía Bắc tỉnh, nghĩa quân mai phục trên đường, tập kích chặn đánh, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Chính quyền thực dân phong kiến vô cùng hoảng hốt, lo sợ, lúng túng, đối phó chật vật với nghĩa quân. Ngày 25-5-1886, quân Pháp phái 57 tên hành quân ra Hà Tĩnh, đến sông Ròn (Quảng Trạch) bị nghĩa quân mai phục, tập kích, nhiều tên bị giết chết, bị bắt sống, nghĩa quân hoàn toàn làm chủ vùng này. Ngày 6-6-1886, thiếu tá Gơ- rê-goa đem quân từ Đồng Hới ra, dọc sông Gianh định tên thẳng mạn ngược để ra Hà Tĩnh, thuyền giặc vừa đến đuôi làng Thanh Thủy thì bị nghĩa quân của Lê Trực mai phục đánh quyết liệt, quân Pháp phải rút và từ bỏ âm mưu đánh lên Minh Cầm.
Ngày 8-4-1887, quân Pháp chia làm hai cánh tiến đánh nghĩa quân. Đêm 18 rạng 19-6-1887, có gián điệp chỉ đường, một toán biệt kích do Mu-tô chỉ huy đột kích căn cứ nghĩa quân Lê Trực ở vùng núi Thanh Thủy, nhiều người bị bắt, trong đó có vợ ông, giặc đem vợ ông về giam ở Hướng Phương (Quảng Phương). Sau trận tập kích vào căn cứ, Lê Trực đã mất quá nửa quân sĩ và một số tướng lĩnh cũng như người vợ hiền đảm đang bất khuất, nhưng ông vẫn tiếp tục cùng những người còn lại chiến đấu.
Từ khi có Chiếu Cần Vương trong 3 năm (1885-1888), phong trào chống Pháp dấy lên sôi nổi, tiêu biểu là phong trào của các văn thân, sĩ phu yêu nước. Phong trào Cần Vương thực sự: ’’là một phong trào yêu nước tiêu biểu của nhân dân ta vào cuối thế kỷ XIX’’.
Lê Trực mất ở quê nhà, hơn 100 năm trôi qua, nhưng tên tuổi ông gắn liền với những địa danh, những tên làng, tên phố, tên trường mang tên ông mà nhân dân ta hằng ngưỡng mộ. Ông cùng gia đình ông, vợ, con đã cống hiến tâm sức và hy sinh vì quê hương đất nước, sống mãi cùng ý chí kiên cường, lòng quả cảm giữa lòng nhân dân cả nước. Hiện nay, nhà thờ lưu niệm và mộ của ông đặt ở dưới chân núi Đá Dù, làng Thanh Thủy, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình.
Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét