Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009

HUỲNH THIỆN LỘC

Huỳnh Thiện Lộc, sinh năm 1910 tại Rạch Giá và mất vào đầu năm 1953 sau một cơn trọng bệnh.

Huỳnh Thiện Lộc sinh ra và lớn lên trong một gia đình đại điền chủ ở miền Tây Nam Bộ. là dân làng Tây, nên sau khi học xong chương trình tại Trường Taberd, Huỳnh Thiện Lộc được qua Pháp du học và đậu bằng kỹ sư canh nông.

Được thừa hưởng khả năng kinh doanh trời phú của ông Nội – Cả Bé, sau khi tốt nghiệp đại học ở Pháp, Huỳnh Thiện Lộc về Sài Gòn làm ăn. Sau một thời gian , ngoài vốn liếng 20 ngàn héc-ta ruộng đất , ông còn có nhiều cơ sở xay xát lúa đặt tại Sài Gòn – Chợ Lớn. Tiếng tăm của ông ngày một vang xa và được Chính quyền thực dân chọn làm Ủy viên Kinh tế Lý tài Đông Dương.
Là một trí thức trẻ yêu nước, năm 1944, ông liên lạc với nhiều thành viên Đảng Dân chủ và đến năm 1945, ông trở thành đảng viên Đảng Dân chủ. Tháng 5-1945, ông tham gia vận động thành lập lực lượng thanh niên Tiền Phong tại Giồng Riềng, Rạch Giá.

Cách mạng tháng Tám nổ ra tại Sài Gòn và Nam bộ, Huỳnh Thiện Lộc hăng hái tham gia lãnh đạo lực lượng Thanh niên Tiền phong cùng nhân dân nổi dậy giành chính quyền . Khi cuộc kháng chiến ở Nam Bộ bùng nổ, ông ra chiến khu tham gia kháng chiến.

Tháng 1-1946, là một trí thức có uy tín, được mọi người kính trọng, nên ông được Chính phủ Cách mạng chọn vào đòan đại biểu Quốc hội, cùng đòan cán bộ cách mạng ưu tú do Tôn Đức Thắng dẫn đầu, áp tại số vàng nhận được trong Tuần lễ vàng ở Nam Bộ đem ra Trung ương .

Tháng 4-1946, ông được Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Canh nông trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến và được chọn vào phái đòan đi dự Hội nghị Fontainebleau ở Pháp.

Năm 1947, ông được Chính phủ Kháng chiến cử về Nam Bộ công tác. Ở chiến trường miền Tây Nam Bộ, Huỳnh Thiện Lộc được chính quyền kháng chiến bổ nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban kháng chiến Hành chính Nam Bộ, kiêm Phó Chủ tịch Hội Liên Việt Nam Bộ.

Năm 1950, ông đã đi khắp các tỉnh Nam bộ, vận động các điền chủ hưởng ứng phong trào hiến điền của chính phủ kháng chiến . Do tài ăn nói và uy tín của ông, phong trào hiến điền ở các tỉnh Nam Bộ diễn ra tốt đẹp, tiếp đó, chính quyền kháng chiến tiến hành chia ruộng đất cho dân nghèo, giải quyết tốt tình hình ruộng đất và đời sống kinh tế cho tòan dân các tỉnh Nam Bộ. Năm 1952, ông ngã bệnh và một thời gian sau ông qua đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét