Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009

LÝ NAM ĐẾ

Lý Nam Đế ( 503 – 548) là một vị vua Việt Nam, người đã sáng lập ra nhà Tiền Lý và khai sinh nhà nước Vạn Xuân. Ông tên thật là Lý Bí, còn gọi là Lý Bôn, người làng Thái Bình, phủ Long Hưng[2], Việt Nam (khoảng Thạch Thất và thành phố Sơn Tây, Hà Nội.

Lý Nam Đế có tài văn võ. Ông đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, đánh đuổi được quân đô hộ, rồi xưng là Nam Đế (vua nước Nam), đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên (chưa rõ ở đâu, có lẽ gần thành phố Bắc Ninh ngày nay).

Nguồn gốc

Nhiều sách sử cho biết tổ tiên của Lý Nam Đế là người Trung Quốc, vào cuối thời Tây Hán thì tránh sang ở Việt Nam (lúc đó đang là thuộc địa của Trung Quốc) để trốn nạn binh đạo. Qua 7 đời, đến đời Lý Bí thì dòng họ Lý đã ở Việt Nam được hơn 5 thể kỷ. Chính sử Trung Quốc đều coi Lý Bí là "Giao Châu thổ nhân".

Theo sách Văn minh Đại Việt của Nguyễn Duy Hinh [3] căn cứ các thần phả thì Lý Bí không phải là thế hệ thứ 7 mà là thế hệ thứ 11 của họ Lý từ khi sang Việt Nam. Khoảng cách 11 thế hệ trong 5 thế kỷ hợp lý hơn là 7 thế hệ trong 5 thế kỷ. Theo đó, đời thứ 7 là Lý Hàm lấy bà Ma thị là người Việt, sinh ra Lý Thanh. Lý Thanh phục vụ dưới quyền thứ sử Giao châu là Đàn Hòa Chi nhà Lưu Tống thời Nam Bắc Triều (Trung Quốc). Lý Thanh sinh ra Lý Hoa, Lý Hoa sinh ra Lý Cạnh. Lý Cạnh sinh ra Lý Thiên Bảo và Lý Bí.

Tuy nhiên, nguồn tài liệu khác lại ghi cha Lý Bí là Lý Toản, trưởng bộ lạc, mẹ là Lê Thị Oánh người Ái Châu (Thanh Hoá).

Tuổi trẻ

Lý Bí sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (17-10-503). Từ nhỏ, Lý Bí đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, sớm hiểu biết. Khi Lý Bí 5 tuổi thì cha mất; 7 tuổi thì mẹ qua đời. Ông đến ở với chú ruột. Một hôm, có một vị Pháp tổ thiền sư đi ngang qua, trông thấy Lý Bí khôi ngô, tuấn tú liền xin Lý Bí đem về chùa nuôi dạy. Sau hơn 10 năm rèn sách chuyên cần, lại được vị thiền sư gia công chỉ bảo nên Lý Bí trở thành người học rộng, hiểu sâu, ít người sánh kịp. Nhờ có tài văn võ kiêm toàn, Lý Bí được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương.

Lý Bí đã từng ra làm quan cho nhà Lương, nhưng do bất bình với các quan lại đô hộ tàn ác, nên ông bỏ quan, về quê, chiêu binh mãi mã chống lại chính quyền đô hộ. Tù trưởng ở Chu Diên (Hải Dương) là Triệu Túc cùng con là Triệu Quang Phục phục tài đức của ông nên đã đem quân nhập với đạo quân của ông.

Năm 541, thứ sử Giao Châu Tiêu Tư hà khắc tàn bạo nên mất lòng người. Lúc ấy lại có giặc Lâm Ấp quấy phá ở phía Nam. Nhân dân Giao Châu rất khổ cực. Lý Nam Đế làm quan cho chính quyền đô hộ nhưng không hài lòng, nên bỏ về quê, chiêu mộ nghĩa quân. Tinh Thiều, một người giỏi từ chương, từng đến kinh đô nhà Lương xin được chọn làm quan, nhưng chỉ cho chức "gác cổng thành", nên bỏ về Giao Châu theo Lý Nam Đế. Lúc bấy giờ ông làm chức giám quân ở châu Cửu Đức (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay), liên kết với hào kiệt mấy châu, đều hưởng ứng. Triệu Túc, tù trưởng ở Chu Diên (có lẽ là Phả Lại, tỉnh Hải Dương ngày nay), phục tài đức của Lý Nam Đế, nên đã dẫn quân theo. Quân của Lý Nam Đế đánh Tiêu Tư thua chạy về Quảng Châu và chiếm lấy Long Biên. Tháng 12 năm 542, vua Lương sai Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng sang đàn áp. Thứ sử Quảng Châu là Hoán (theo Trần thư là Tiêu Ánh) không cho, Tiêu Tư cũng thúc giục. Tử Hùng đi đến Hợp Phố, 10 phần chết đến 6-7 phần, quân tan rã. Năm 543, tháng 4, vua Lâm Ấp xâm chiếm quận Nhật Nam, Lý Nam Đế sai Phạm Tu đánh tan địch ở Cửu Đức. Năm 544, tháng giêng, ông tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Đức (đức trời), lập trăm quan, đặt tên nước là Vạn Xuân thể hiện mong muốn rằng xã tắc truyền đến muôn đời. Đóng đô ở Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội). Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Thành lập triều đình với hai ban văn, võ. Lấy Triệu Túc làm thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ.

Chạy về động Khuất Lạo

Năm 545, tháng 6, nhà Lương cho Dương Thiêu (Thiệu hay Phiêu) làm thứ sử Giao Châu, Trần Bá Tiên[4] làm tư mã, đem quân xâm lấn, lại sai thứ sử Định Châu là Tiêu Bột hội với bọn Thiêu ở Giang Tây (theo Trần thư và Thông giám là Tây Giang, thuộc Quế Lâm). Trần Bá Tiên đem quân đi trước. Khi quân của Bá Tiên đến Giao Châu, Lý Nam Đế đem 3 vạn quân ra chống cự, bị thua ở Chu Diên, lại thua ở cửa sông Tô Lịch, tướng Tinh Thiều tử trận. Ông chạy về thành Gia Ninh (xã Gia Ninh, huyện Vĩnh Lạc tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay). Quân Lương đuổi theo vây đánh.

Tháng giêng năm 546, Trần Bá Tiên đánh lấy được thành Gia Ninh, tướng Phạm Tu tử trận. Lý Nam Đế chạy vào đất người Lạo ở Tân Xương. Quân Lương đóng ở cửa sông Gia Ninh. Tháng 8, ông đem 2 vạn quân từ trong đất Lạo ra đóng ở hồ Điển Triệt (xã Tứ Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Phú Thọ), đóng nhiều thuyền đậu chật cả mặt hồ. Quân Lương sợ, cứ đóng lại ở cửa hồ không dám tiến vào. Đêm hôm ấy nước sông lên mạnh, dâng cao 7 thước, tràn đổ vào hồ. Bá Tiên đem quân theo dòng nước tiến trước vào. Quân Vạn Xuân không phòng bị, vì thế tan vỡ, phải lui giữ ở trong động Khuất Lạo, ông ủy cho con thái phó Triệu Túc là tả tướng là Triệu Quang Phục giữ việc nước, điều quân đi đánh Bá Tiên.

Năm 548, ngày 20 (ngày Tân Hợi) tháng 3 (tức ngày 13-4 dương lịch), Lý Nam Đế ở động Khuất Lạo lâu ngày bị nhiễm lam chướng, ốm qua đời. Ông ở ngôi được 5 năm (544-548), thọ 46 tuổi.

Theo sách "Việt Nam văn minh sử" của Lê Văn Siêu dẫn một số nguồn tài liệu cổ, Lý Nam Đế ở lâu ngày trong động, vì nhiễm lam chướng nên bị mù hai mắt. Vì vậy đời sau đến ngày giỗ thường phải xướng tên các đồ lễ để vua nghe thấy. Lại cũng theo tài liệu này, có thuyết cho rằng không phải Lý Nam Đế ốm chết mà vua bị người Lạo làm phản giết hại. Tướng Lý Phục Man[5] cũng mất theo vua vì nạn này.

Ngày nay ở trung tâm Hà Nội có phố mang tên Lý Nam Đế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét