Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009

LÊ HỒNG PHONG

Lê Hồng Phong (1902 – 6 tháng 9 năm 1942) là Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương từ 1935 đến 1936.

Tiểu sử

Ông tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại tổng Thông Lạng, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Thuở trẻ, ông đi làm công cho một hãng buôn ở Vinh, rồi làm công nhân nhà máy diêm Bến Thủy và bị đuổi việc vì đã vận động công nhân đấu tranh.

Tháng 1/1924, ông cùng Phạm Hồng Thái sang Thái Lan, sau đó đi Trung Quốc tham gia Tâm Tâm Xã (còn gọi là Tân Việt Thanh niên Đoàn). Ông là một trong 9 hội viên hạt nhân của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ((còn gọi là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên) Năm 1924, ông học Trường Quân sự Hoàng Phố. Tháng 2/1926, gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Năm 1926, ông tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố.

Từ tháng 10/1926 đến tháng 10/1927, ông sang học trường Lý luận Quân sự tại Leningrad (Liên Xô). Từ tháng 12/1927 đến tháng 11/1928, ông học trường Không quân số 2 ở Borisoglebsk (Liên Xô).

Từ tháng 12/1928 học trường Đại học Lao động Cộng sản phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Moskva (Liên Xô) với bí danh Litvinov. Sau khi tốt nghiệp, ông tham gia Hồng quân Liên Xô với cấp bậc trung tá.

Cuối năm 1931, với tên là Vương Nhật Dân, ông về Trung Quốc hoạt động.

Năm 1932, ông tìm cách liên lạc với tổ chức Đảng cộng sản ở trong nước nhằm khôi phục phong trào và thảo chương trình hành động của đảng trong tình hình đảng bị tổn thất nặng nề trước đó.

Năm 1934, ông thành lập Ban Chỉ huy Hải ngoại của Đảng tại Ma Cao, chính ông làm Bí thư.

Ngày 14 tháng 6 năm 1934, ông triệu tập Hội nghị Ban Chỉ huy Hải ngoại và đại biểu các đảng bộ trong nước bàn kế hoạch triệu tập Đại hội lần thứ nhất của Đảng.

Tháng 3/1935, tại Đại hội I của Đảng ở Ma Cao, ông được bầu làm Tổng Bí thư đến giữa năm 1936 (việc ông làm Tổng Bí thư chỉ được các văn bản chính thức của Đảng công nhận vào quãng năm 2000. Tuy nhiên thời gian làm Tổng Bí thư của ông không thống nhất. Báo Nhân Dân trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng đã từng ghi rằng ông ở trên cương vị Tổng Bí thư trước Đại hội này của Đảng, còn từ thời điểm này trở đi thì Hà Huy Tập "lãnh đạo Ban chấp hành Trung ương trên cương vị Tổng Bí thư").

Tháng 7/1935, ông dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng ra dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở Moskva. Đại hội công nhận Đảng là Chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản và bầu ông làm Ủy viên Ban Chấp hành của Quốc tế Cộng sản.

Tháng 1/1936, ông tới Trung Quốc và triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng tại Thượng Hải (tháng 7/1936).

Ngày 10 tháng 11 năm 1937, với tên là La Anh, ông về nước hoạt động.

Tháng 3/1938, dự Hội nghị Trung ương họp tại Hóc Môn (Gia Định) quyết định thành lập "Mặt trận Dân chủ Đông Dương".

Ngày 22 tháng 6 năm 1939, ông bị quân Pháp bắt lần thứ nhất ở Sài Gòn và bị kết án 6 tháng tù.

Ngày 6 tháng 2 năm 1940, ông bị bắt lần thứ hai, bị kết án 5 năm tù và đày đi Côn Đảo.

Ngày 6 tháng 9 năm 1942, ông qua đời trong lúc ở trong tù tại Côn Đảo.

Ông lập gia đình với Nguyễn Thị Minh Khai, một nữ đồng chí cùng học tại Đại học Phương Đông. Hai người có chung một người con gái.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét