Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009

BÀ TRIỆU


Bà Triệu , còn gọi là Triệu Trinh Nương, tên thật là Triệu Thị Trinh hay Lệ Hải Bà Vương, hay Nhuỵ kiều tướng quân, sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (226), là một trong những vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam, Bà Triệu còn được gọi là Triệu Ẩu theo cách gọi của người Trung Hoa ('"ẩu" nghĩa là bà già, bà lão). Bà là người Quan Yên, quận Cửu Chân, nay thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa và là em của Triệu Quốc Đạt.

Khởi nghĩa

Năm 246, bà đã cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt dựng cờ khởi nghĩa và sau khi Triệu Quốc Đạt chết (248), bà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại sự xâm lược của quân Đông Ngô, do Lục Dận (cháu của Lục Tốn), thứ sử Giao Châu chỉ huy. Nhiều nghĩa binh đã tử trận vào năm đó. Theo Trần Trọng Kim trong Việt sử lược, bà chống đỡ với quân Đông Ngô được 5-6 tháng thì thua chạy đến xã Bồ Điền và tự tử. Khi ấy Triệu Thị Trinh mới 23 tuổi. Còn Lê Mạnh Thát dẫn Thiên nam ngữ lục và Ngụy chí mà kết luận rằng Bà Triệu đã không thua bởi tay Lục Dận, trái lại đã đánh bại Lục Dận. Lục Dận chỉ chiếm được vùng đất nay thuộc Quảng Tây. Bà Triệu đã giữ được độc lập cho đất nước đến khi Đặng Tuân được Tôn Hựu sai sang đánh Giao Chỉ vào năm 257.

Tại nơi bà mất là núi Tùng, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa vẫn còn di tích lăng mộ của bà, cách nơi bà mất không xa (ngay bên quốc lộ 1A) là khu thờ bà. Hằng năm, vào ngày 21 tháng 2 âm lịch, người dân trong vùng vẫn tổ chức tế giỗ bà để tưởng nhớ.

Hiện nay ở Hà Nội, tên bà được đặt tên cho một con đường: phố Bà Triệu.

Câu nói nổi tiếng

Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ[3], chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét