Nguyễn Khoái: Tướng quân miền sông nước
Nguyễn Khoái sinh trưởng trong một gia đình rất giàu có ở đất Hồng Châu. Năm 17 tuổi, cậu đã có sức khỏe phi thường. Có lần đi học về, gặp hai con trâu đánh nhau, cậu đã dũng cảm vào can bằng cách dùng mỗi tay cầm sừng của mỗi con trâu đẩy ra.
Trước sức mạnh của cậu, cả hai trâu đều chịu cứng, lúc đó cậu hô người dùng các vật cản lao vào giữa làm cho hai con trâu hiếu chiến phải bỏ cuộc. Lại trong đất Hồng Châu và vùng lân cận hay xảy ra cướp bóc, chàng thanh niên, Nguyễn Khoái đã đứng lên dẹp bọn cướp, dân tình được yên ổn, từ đó tiếng lành đồn xa đến tận tai vua.
Trong cuộc chiến tranh chống quân Nguyên lần thứ hai, Nguyễn Khoái được cử đem đội quân Thánh Dực bảo vệ Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông, đồng thời sẵn sàng thực hiện mệnh lệnh chiến đấu. Nguyễn Khoái đã hoàn thành một cách xuất sắc. Bấy giờ, đạo quân của Toa Đô sau khi đánh Chiêm Thành (1282) liền tiến ra Bắc phối hợp với cánh quân phía Bắc thành một gọng kìm nhằm đè bẹp quân và dân nhà Trần. Toa Đô hùng hổ tiến vào châu thổ sông Hồng. Triều đình đã lệnh cho các tướng như Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản và Nguyễn Khoái đón đánh giặc ở Hàm Tử làm cho giặc thua đau, sau đó là trận Tây Kết, Toa Đô càng bị tiêu hao lực lượng. Thắng lợi của hai trận chiến trên đã mở đầu cho các chiến thắng liên tiếp để đánh bại cuộc xâm lược của quân Nguyên lần thứ hai.
Trong cuộc chiến tranh chống quân Nguyên lần thứ ba (1288), tướng Nguyễn Khoái lại tiếp tục lập được chiến công vẻ vang, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cả dân tộc. Bấy giờ, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn quyết định trận đánh quyết chiến chiến lược ở sông Bạch Đằng. Đây là trận thủy chiến có quy mô lớn kết hợp mai phục và bao vây. Đội quân Thánh Dực của Nguyễn Khoái có nhiệm vụ chủ động tấn công chia cắt đội hình giặc làm cho chúng lúng túng tràn vào ổ mai phục của ta và Nguyễn Khoái đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Quân địch có binh hùng tướng mạnh, 600 chiến thuyền lớn còn lại ở sông Bạch Đằng trên bãi cọc lợi hại bố trí sẵn, nước triều xuống thuyền đắm, hàng ngàn bè nứa, thuyền tre đốt lửa lao vào đội hình giặc. “Quân Nguyên bị tiêu diệt không biết bao nhiêu mà kể, ta bắt được của chúng trên một trăm chiến thuyền” (Khâm Định Việt sử thông giám cương mục).
Có lẽ do bởi Nguyễn Khoái không nằm trong quý tộc nhà Trần, nên không ghi rõ năm sinh, năm mất của ông. Chỉ biết rằng tháng 4-1289, vua Trần định công ban thưởng cho các tướng lĩnh, Nguyễn Khoái được ban tước “Liệt Hầu” là tước chỉ giành cho hoàng tộc. Ông còn được cấp đất một quận ở Hồng Châu, vùng Khoái Lộ nay là huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Địa danh trên là quê hương và tên của Nguyễn Khoái được ghép lại.
Địa danh Khoái Châu còn đến ngày nay để ghi nhớ vị tướng kiệt xuất họ Nguyễn đã có công lao góp phần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông, góp phần mang lại tự do cho dân tộc, độc lập cho Tổ quốc.
Thứ Hai, 22 tháng 6, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét