Thứ Hai, 22 tháng 6, 2009

NGUYỄN ĐÌNH CHÍNH

Nguyễn Đình Chính tên khai sinh là Nguyễn Đình Giai, sinh ngày 28-8-1924 tại làng Nguyễn, tổng Cổ Cốc, nay là xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Học hết tiểu học Nguyễn Đình Chính vào học trường Kỹ thuật thực hành, trở thành công nhân nhà máy giấy, nhà máy cơ khí Đáp Cầu (Bắc Ninh). Đầu năm 1944, để “trốn lấy vợ” anh ra Hải Phòng gia nhập hải quân Pháp, được đưa vào Sài Gòn làm lính thợ trong xưởng đóng tàu Ba Son. Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Nguyễn Đình Chính bị địch bắt nhốt ở đồn binh Lái Thiêu - Cát Lái, sau đưa xuống Vũng Tàu. Ở trại giam Vũng Tàu, anh đã vượt ngục về Sài Gòn để hoạt động cách mạng. Cái tên Nguyễn Đình Chính được anh chính thức mang từ giai đoạn này. Nguyễn Đình Chính đã tham gia khởi nghĩa ở Thủ Dầu Một - Bình Dương, tham gia xây dựng công xưởng để sửa chữa và chế tạo vũ khí tại đây.

Nam bộ kháng chiến, Nguyễn Đình Chính trở thành chiến sĩ trinh sát của lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định. Chỉ trong 6 tháng, ban công tác do anh chỉ huy đã chiến đấu 57 trận lớn nhỏ, diệt nhiều địch và tay sai của giặc.

Ngày 26-2-1947, sau khi về khu bộ ở Bà Quẹo để nhận thêm vũ khí, anh quay lại cứu em bé giao liên bị thương thì bị sa vào tay giặc. Địch tra khảo rất dã man nhưng không khai thác được gì, chúng đã kết án Nguyễn Đình Chính tử hình và đày ra Côn Đảo. Sau sợ anh vượt đảo, chúng lại đưa về giam anh tại khám Chí Hòa. Ở trong tù ngục, Nguyễn Đình Chính đã làm thơ, viết hồi ký và kiên cường đấu tranh với giặc trong nhà tù, vì vậy ngày 19-5-1948, giặc Pháp lại đưa Nguyễn Đình Chính ra tòa và kết án tử hình anh lần thứ hai. Ba ngày sau khi bị kết án tử hình lần thứ hai (ngày 22-5-1948) bằng đường dây bí mật, Nguyễn Đình Chính đã có bức tâm thư kính gửi Hồ Chủ tịch. Bức thư viết:

“Thưa Cha,

Đây là một cảnh âm cung trên dương thế mà con chụp được để tặng Cha (ảnh Nguyễn Đình Chính cởi trần chân bị cùm trong khám tử tù).

Lần thứ nhất chúng kết án tử hình con vào ngày 10-10-1947. Con sống trong cảnh này đến ngày 19-5-1948 chúng đưa con ra trước công lý xâm lăng lần thứ hai, tặng cho con thêm một án tử hình nữa. Con vẫn cười đọc bản điều trần “Memoi re de Défence” giải trình ý niệm tranh thủ độc lập của Việt Nam và đưa cái công lý xâm lăng của Pháp ra ánh sáng. Kết luận con tuyên bố trước mặt chúng: “Tôi rất sung sướng và lấy làm vinh dự được chết cho đất nước tôi. Tôi tin đến lúc chết: Nước Việt Nam sẽ độc lập. Việt Nam độc lập thống nhất muôn năm!”.

Một đứa con của Cha

Nguyễn Đình Chính (tự Chính Heo)

(Hầm tử hình 18A khám lớn Sài Gòn- Nam bộ ngày 22-5-1948)

Giặc Pháp đã xử bắn Nguyễn Đình Chính tại khám Chí Hòa ngày 9-2-1949. Ý chí kiên cường và sự hy sinh lẫm liệt của Nguyễn Đình Chính sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Hiện nay tại Phú Nhuận, TP.HCM có một con đường mang tên người anh hùng liệt sĩ Nguyễn Đình Chính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét