Nguyễn Cư Trinh (Bính Tuất (1716) - Đinh Hợi (1767)) là một danh tướng và là một danh sĩ thời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và Định vương Nguyễn Phúc Thuần, Đại Việt. Ngoài tài văn võ, ông còn nổi tiếng là người liêm chính, giỏi việc chính trị, doanh điền, ngoại giao và có phong độ của một trạnh thần (bầy tôi dám can ngăn).
Thân thế
Nguyễn Cư Trinh tên chữ là Nghi, hiệu Đạm Am, quê xã An Hòa, huyện Hương Trà, nay thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Tổ tiên xa là Trịnh Cam, gốc người phường Phù Lưu, huyện Thiên Lộc (nay là huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), từng làm quan dưới triều Lê đến chức Binh bộ Thượng thư. Khi họ Nhà Mạc lên ngôi thay nhà Lê, Trịnh Cam lánh vào Thanh Hóa chiêu mộ quân giúp nhà Lê, nhưng việc chưa thành thì mất.
Cha Nguyễn Cư Trinh là ông Nguyễn Đăng Đệ thuộc đời thứ bảy, vốn nổi tiếng về tài văn chương, thi đỗ sinh đồ, làm Tri huyện Minh Linh, được chúa Nguyễn Phúc Chu mến tài ban cho quốc tính (được mang họ Nguyễn).
Là con út trong gia đình có truyền thống văn học, ngay từ nhỏ Nguyễn Cư Trinh cùng anh họ là Nguyễn Đăng Trình, đều đã nổi tiếng hay chữ. (Sau này, khi Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi chúa, những luật lệ đều do Nguyễn Đăng Thịnh đặt ra mà văn từ thì do Nguyễn Cư Trinh thảo[2]).
Năm Canh Thân (1740), ông thi đỗ Hương cống, được bổ làm Tri phủ Triệu Phong (Quảng Trị), rồi trải qua các chức Tuần vũ Quảng Ngãi (Canh Ngọ (1750)), Ký lục dinh Bố Chánh (Quảng Bình), sau đến Lại bộ Kiêm Tào vận sứ, tước Nghi biểu hầu.
Năm Quý Dậu (1753), Nguyễn Cư Trinh sang Chân lạp đánh Nặc Nguyên (Chey Chettha V). Năm Ất Dậu (1765) Nguyễn Phúc Thuần lên nối ngôi chúa, quyền thần Trương Phúc Loan ỷ thế lộng quyền. Đại Nam thực lục chép: “Nguyễn Cư Trinh nói: Chốn triều đình bàn việc đã có định chế, Phúc Loan sau dám vô lễ như thế, sắp muốn chuyên quyền chăng? trong nước sinh loạn tất là người ấy”. Phúc Loan giận lắm nhưng e sợ , không dám làm gì.” [3]
Năm Đinh Hợi (1767) ông bệnh và mất, hưởng dương 51 tuổi, được truy tặng Tá lí công thần, Vinh lộc đại phu, thụy Văn Định.
Đến đời Minh Mạng, ông được truy tặng là Khai quốc công thần, Hiệp biên đại học sĩ, đổi tên thụy thành Văn Cách, truy phong tước Tân Minh Hầu, cho tòng tự[4] ở Thái miếu (Huế).
Sự nghiệp
Nghiệp võ
Sông Tiền, đoạn chạy qua Tân Châu & Hồng Ngự[5]Khi làm tuần vũ Quảng Ngãi, ông có công đánh dẹp cuộc nổi dậy của bộ lạc người Hré ở Đá Vách vào năm Canh Ngọ (1750), nhưng võ công đáng kể hơn cả chính là khi ông được điều động Miền Nam từ năm (Quý Dậu (1753) cho đến năm Kỷ Mão (1759). Nhờ kế sách “dĩ man công man”[6] và “tàm thực”[7], ông đã khéo léo thu cả miền đồng bằng sông Cửu Long về cho Đại việt.
Việt Nam sử lược chép:
Nặc Nguyên về làm vua Chân Lạp thường hay hà hiếp rợ Côn Man[8]và lại thông sứ với chúa Trịnh ở ngoài Bắc để lập mưu đánh chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn biết tình ý ấy, đến năm Quý Dậu (1753), sai Nguyễn Cư Trinh sang đánh Nặc Nguyên. Năm Ất Hợi (1755) Nặc Nguyên thua bỏ thành Nam Vang chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ.
Năm sau Mạc Thiên Tứ dâng thư về nói rằng Nặc Nguyên xin dâng hai phủ Tầm Bôn (Tân An) và Lôi Lạp (Gò Công) để chuộc tội, và xin cho về nước. Chúa Nguyễn không muốn cho. Bấy giờ ông Nguyễn Cư Trinh dâng sớ bày tỏ cách khai thác nên dùng kế "tầm thực" nghĩa là nên lấy dần dần như con tầm ăn lá, thì mới chắc chắn được. Chúa Nguyễn nghe lời ấy bèn nhận hai phủ và cho Nặc Nguyên về Chân Lạp.[9]
Nghiệp văn
Tác phẩm
Bài chi tiết: Sãi vãi
Sáng tác bằng chữ Nôm của ông có vè Sãi vãi và Quảng Ngãi thập nhị cảnh. Thơ chữ Hán của ông có Đạm Am thi tập (chưa tìm thấy) và mười bài họa Hà Tiên thập cảnh vịnh của Mạc Thiên Tứ. Ngoài ra ông còn để lại một số thư điều trần gửi chúa Nguyễn và thư đáp lại thư của cha con họ Mạc.
Từ điển văn học (bộ mới) cho biết: Tác phẩm của Nguyễn Cư Trinh một phần được Lê Quí Đôn dẫn ra trong Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục và được Phạm Nguyễn Du chép trong Nam hành ký đắc tập. Có lẽ số thơ văn chữ Hán được ghi lại trong các sách trên là một phần của Đạm am thi tập hiện chưa tìm thấy.
Thứ Hai, 22 tháng 6, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét